Bài viết Phép tính gây 'sốc': Lương giáo viên tiểu học gần 200 nghìn đồng/giờ đã nhập được hàng trăm bình luận của độc giả.

Trong đó, nhiều ý kiến "chê" cách tính của người chia sẻ gây bão về lương giáo viên, đồng thời cũng có ý kiến nhận định không ít giáo viên mức thu nhập rất khá.

Chia sẻ gây 'bão' về lương giáo viên

200 nghìn hay 25 nghìn đồng/giờ?

Gửi ý kiến về VietNamNet, độc giả Trần Thị Hồng thắc mắc: “Mọi người tính kiểu gì ra lương giáo viên 200 nghìn đồng/giờ vậy?”.

Cụ thể hơn, chị Hồng lấy ví dụ: lương giáo viên cao đẳng bậc 1 hệ số 2,1 là: 1.800.000 x 2,1 = 3.780.000 đồng. Người lao động phải đóng 10,5% BHXH, BHYT, BHTN, ĐP - là 397.000 đồng.

Phụ cấp ưu đãi ngành bằng 3.780.000 x 35% (khu vực nông thôn mặt bằng chung) = 1.323.000 đồng. 

Sau đó có phép tính: 3.780.000 + 1.323.000 - 397.000 = 4.706.000 đồng. Đây là tổng thu nhập sau trừ các khoản phải đóng góp. 

Tính ra ngày công, chị Hồng ví dụ tháng 8/2023 có 31 ngày, ngày làm việc là 23 ngày. Vì thế, lấy 4.706.000 : 23 = 204.600 đồng. Nếu ngày làm 8 tiếng, lấy 204.600 : 8. Kết quả chỉ là 25.600 đồng cho 1 giờ làm việc.

Độc giả Trần Luận gay gắt đặt một loạt câu hỏi: “Ở đâu ra lương giáo viên tiểu học 20 năm 12 triệu thế? Còn hơn 20 năm sẽ vô cùng lắm, 35 năm nó cũng là hơn 20 năm. 

Ở đâu ra cô giáo tiểu học dạy 18 buổi/tháng thế? Ở đâu ra cô giáo tiểu học dạy 1 tháng 18 buổi, mỗi buổi 3,5 tiết thế? Con mà không biết công sức của mẹ như thế nào à? 

Cũng đừng mang phép tính so sánh lương của 1 công nhân công ty lương 7,5 triệu ra so với 1 người tốt nghiệp đại học và hơn 30 năm công tác. Giỏi thì tự so mình với những bạn cùng trang lứa cùng trình độ đi, không cẩn thận họ cũng thu nhập gấp 5 mình đấy”.

Chị Thu Ngọc đưa quan điểm: “Tùy từng đặc thù công việc nhưng với giáo viên những công việc không được tính vào tiền lương hay giờ làm vô cùng nhiều như chấm bài, soạn giáo án, chuẩn bị để tham gia thao giảng, giải đáp các thắc mắc của gia đình và học sinh, nghiên cứu khoa học... 

Hơn nữa, không phải tất cả các giáo viên đều có thể đi dạy thêm (như giáo viên cấp 1, 2 dạy một số môn học không thuộc nhóm môn thi chuyển cấp hoặc tốt nghiệp như: Giáo dục công dân, Công nghệ...) và có đủ thời gian để đi làm ngoài kiếm thêm thu nhập".

Cùng nhận định, độc giả Nguyễn Quang Hùng Lê cho rằng thu nhập giáo viên không phải ai cũng thấp, phải phân loại để tính.

"Như giảng viên đại học lương không cao nhưng tổng thu nhập lại cao. Giáo viên bậc phổ thông cũng vậy, tùy thuộc họ dạy môn gì và dạy ở khu vực nào.

Nếu giáo viên dạy các môn được phụ huynh và học sinh xem là môn chính không nghèo đâu, phải nói là giàu so với đa số giáo viên. Nếu số giáo viên này dạy ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn và trường điểm thu nhập 1 tháng khoảng từ 1.500-2.500 USD chứ không ít.

Còn các giáo viên dạy bộ môn học sinh và phụ huynh xem là môn học phụ sẽ không có gì đâu, thấp hơn cả lương công việc phụ hồ và công nhân". 

Học sinh tiểu học ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Giáo viên thu nhập 4,5 chục triệu đồng/tháng là có thật?

Trong khi đó, độc giả Phương Anh chia sẻ chị có 3 bạn đều giáo viên bộ môn ở một trường cấp 2 công lập tại Hà Nội. Những người bạn này kể giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, Văn ở cấp 2, 3 thu nhập trung bình từ 70-120 triệu đồng/tháng.  

“Trung bình 1 năm dạy 5 lớp, 250 học sinh. Chỉ cần 200 em đi học phụ đạo, học phí 80 nghìn/buổi, 3 buổi/tuần, mỗi tháng tiền dạy phụ đạo khoảng 50 triệu đồng, còn những khoản nọ kia nữa. 

Đa số giáo viên dậy cấp 2, 3 trở lên đều như vậy, cấp 1 thấp hơn không đáng kể. Thu nhập giáo viên đang ở mức khá so với bình quân ở Việt Nam, mọi người cứ nhìn vào lương cứng. Nếu chỉ có khoản lưng cứng chắc chúng ta chẳng có giáo viên”.

Độc giả Trung Nghĩa bày tỏ anh đồng ý cách tính của người con giáo viên trong bài viết trên và cũng đồng ý luôn cả những ý kiến về thời gian làm việc, thu nhập, thời gian làm thêm ở nhà...

“Một điều nữa, giáo viên bây giờ trên 50% đi dạy không soạn giáo án và trên 70% sử dụng giáo án cũ. Chính vì vậy chất lượng giảng dạy không cao, thời gian đầu tư cho công việc không nhiều (trừ giáo viên nào dạy thêm)” – anh Nghĩa nhận xét.

Độc giả này nêu một trường hợp mà anh biết: “Gần nhà tôi ở Nghệ An có cô giáo tiểu học, lương 12 triệu đồng/tháng. Không biết thời gian dạy ở trường bao nhiêu nhưng cô ấy làm ở nhà những việc sau: Nuôi 2 con lợn; nuôi một đàn gà, ngan, vịt, trong chuồng khi nào cũng có khoảng 100 con; làm 5 sào đất lúa (làm 2 vụ trong khi người dân xung quanh chỉ làm 1 vụ); tận dụng tất cả bờ mương, con đập để trồng ngô, đậu, rau lang; trông nom làm ché trong khu vườn nhà khoảng 5 sào đồi chè.

Trong 5 cụm việc trên chỉ có trồng lúa phải thuê cày, cấy, gặt… còn lại như bón phân, xịt thuốc diệt cỏ, lấy nước, thăm đồng, phơi lúa, thu gom rơm... cô ấy làm hết.

Vậy mọi người thử tính xem cô giáo đó dành bao nhiêu thời gian đi dạy, bao nhiêu thời gian soạn bài khi mà chồng buôn bán, 2 con đi học đại học ở Hà Nội”.

Cùng quan điểm, độc giả Đỗ Mạnh Cường cũng cho rằng thu nhập cao hay thấp còn tùy vào việc bộ môn, trình độ. 

“Như giáo viên dạy tiểu học chủ nhiệm con tôi và giáo viên tiếng Anh thu nhập không dưới 20 triệu đồng/tháng, phần chính là do dạy thêm. Nếu tính thu nhập làm thêm/thời gian làm thêm, mức thu nhập theo giờ cao hơn nhiều so với mặt bằng chung”.

Ở một góc nhìn khác, một độc giả bình luận: "Nói giáo viên lương cao đúng, nói lương thấp cũng đúng. Vì như mẹ bạn trong bài viết "Phép tính gây 'sốc'..." có thâm niên trên 20 năm hệ số lương cao, cộng phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp nên lương tháng khoảng 12 triệu đồng.

Nếu công tác trên 30 năm, mức lương khoảng 15 triệu đồng, giáo viên mới ra trường lương khoảng 4 triệu đồng. Trong khi đó, công việc giống nhau. 

Vì vậy, Chính phủ cũng như Bộ GD-ĐT sớm nghiên cứu trả lương theo vị trí việc làm là công bằng, tránh làm cùng công việc giống nhau nhưng thu nhập người 4 triệu, người 15 triệu. 

Nếu chưa trả lương theo việc làm được ngay cần có chính sách điều chỉnh hệ số lương cho những người công tác dưới 10 năm, để thu nhập của họ được cải thiện, giảm mức chênh lệch".