LỜI TOÀ SOẠN

Nếu như lực lượng công an điều tra thường xuyên được nhắc tên trong mỗi vụ án thì những người làm kỹ thuật hình sự được ví như người hùng thầm lặng ở phía sau. Họ là những người miệt mài ở hậu trường với những tử thi, mẫu vật, tài liệu… để hỗ trợ cơ quan điều tra phá án. 

Công việc của họ là gì? Cảm xúc, tâm lý của các chiến sĩ công an ở hậu trường như thế nào khi tiếp xúc với những vụ án gây rúng động? VietNamNet giới thiệu tuyến bài Nghề Kỹ thuật hình sự qua chia sẻ của các cán bộ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).

Bài 1: Nghề khám nghiệm hiện trường: Những phát hiện 'rợn tóc gáy'

Bài 2: Đâm chết người đi đường, tài xế tự thú nhưng bất ngờ thành vô tội nhờ bàn tay 'phép màu

Bài 3: Vụ sát hại 4 bà cháu 8 năm trước: Lần ra manh mối thủ phạm từ dạ dày nạn nhân
 

Nếu như các Phòng Khám nghiệm hiện trường, Giám định pháp y của Viện Khoa học hình sự có những câu chuyện gây ám ảnh với người yếu tim, thì các vụ việc của Phòng Giám định tài liệu lại đòi hỏi ở giám định viên sự tinh tường và tỉ mẩn với từng nét chữ, con số... 

Thiếu tá Nguyễn Chí Kiên - Phó trưởng Phòng Giám định tài liệu cho biết, phạm vi chuyên môn của đơn vị ông rất rộng, trong đó có những mảng nhỏ như: Giám định chữ viết, chữ ký; giám định dấu, tem, nhãn, mác bao bì, giám định hình ảnh, giám định tiền thật, tiền giả… Chính vì thế, nhân sự của phòng thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. 

Một trong những vụ án liên quan đến giám định chữ viết tốn nhiều thời gian, trí lực nhất của Phòng là bê bối gian lận thi cử vào năm 2018. Đó là thời điểm mà cả người, cả máy móc, thiết bị phải hoạt động hết công suất, làm việc ngày đêm, không phân biệt lính hay sếp. Trước “sức nóng” của dư luận và tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cũng như áp lực từ cấp trên, toàn bộ 30 con người của Phòng Giám định tài liệu luôn trong tình trạng “vắt chân lên cổ” suốt nửa năm trời. 

“Chúng tôi làm việc cả ca ngày ca đêm, cả thứ Bảy, Chủ nhật. Khi cơ quan điều tra đã khởi tố rồi, cường độ công việc mới bắt đầu giãn ra một chút. Tổng thời gian dành cho vụ này là hơn 1 năm. Đến nỗi, các giám định viên hễ cứ nhắm mắt lại thấy hiện lên trong đầu những nốt chấm tròn (đáp án bài thi trắc nghiệm)”.

Cái khó của vụ án không chỉ nằm ở số lượng mẫu cần giám định rất lớn - mỗi thí sinh nhân lên vài bài thi, mỗi bài thi là vài chục câu trả lời, mà còn nằm ở việc nó chưa từng có tiền lệ. “Đồng chí Viện trưởng hỏi phòng có làm được không. Lúc ấy, chúng tôi mới bắt tay vào nghiên cứu” - Thiếu tá Kiên nhớ lại.

Nhiệm vụ của Phòng là xác định được 2 vấn đề: Có hiện tượng tẩy xóa hay không - đây là việc nằm trong khả năng của giám định viên, nhưng vấn đề thứ 2 - nốt tô này là của ai, của thí sinh hay người sửa - là một câu hỏi mới được đặt ra. 

“Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cộng với sự hỗ trợ của thiết bị máy móc, chúng tôi tìm ra được sự khác nhau giữa cách tô của thí sinh và của người sửa trong từng đáp án. Bằng mắt thường, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy các nốt tròn được tô chì đen giống nhau. Nhưng khi phóng đại lên, có thể nhìn thấy mỗi người sẽ có cách tô chì khác nhau - có người tô bằng nét chéo, có người tô tròn, độ tì ấn cũng khác nhau…

Từ đó, chúng tôi đưa ra một quy trình mới hoàn toàn để giám định được các yêu cầu của cơ quan điều tra Bộ Công an” - Thiếu tá Phan Thị Thu Trang, một trong số các giám định viên trực tiếp tham gia vụ án này, cho biết.

Chi tiết bi hài nhất mà các giám định viên vẫn còn nhớ, đó là có một số bài thi, nếu để nguyên đáp án của thí sinh thì điểm còn cao hơn. “Ban đầu chúng tôi cũng thắc mắc tại sao. Nhưng có lẽ do phụ huynh không tin tưởng con mình nên đã ‘đặt hàng’ từ trước là 3 bài thi cần được tổng điểm bao nhiêu, dẫn đến việc đối tượng sửa theo đúng đơn đặt hàng. Cũng không loại trừ việc có quá nhiều bài thi nên đối tượng sửa nhầm” - Thiếu tá Kiên chia sẻ.

Khi thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, đặc biệt là trong các vụ việc gian lận về tài liệu, giấy tờ thì yêu cầu đối với giám định viên ngày càng cao và khó hơn gấp nhiều lần. Có những vụ mà công nghệ và trình độ của giám định viên cách đây nhiều năm chưa làm được, nên đã dẫn đến oan sai. Nhiều năm sau khi vụ án đến tay Phòng Giám định tài liệu, nạn nhân mới được “giải oan”.

Thiếu tá Trang vẫn còn nhớ vụ việc vào thời điểm chị mới bước chân vào nghề, làm trợ lý giám định viên. 

“Đối tượng làm việc cho một tổ chức từ thiện và bị kết án biển thủ công quỹ. Anh ta đang thụ án rồi và cũng sắp mãn hạn tù. Nhưng người mẹ ở bên ngoài vẫn mang đơn đi kiện suốt nhiều năm. Lúc này, cơ quan điều tra mới gửi trưng cầu tới Viện Khoa học hình sự mà trước đó đã được giám định ở một cơ quan khác”.

Khi nghiên cứu tài liệu, Thiếu tá Trang nhận thấy chữ viết tay của đối tượng trên mẫu cần giám định - những tờ biên lai nhận tiền - quá đẹp và đều chằn chặn. “Mẫu so sánh - mẫu chữ viết của đối tượng được lấy sau đó bởi cơ quan điều tra - cũng đẹp nhưng không đều tăm tắp như thế. Chúng tôi bắt đầu có những nghi ngờ…”.

Khi nghiên cứu gần 30 tờ biên lai nhận tiền viết tay trên các tờ giấy A4, nữ giám định viên nhận thấy các con chữ đều một cách bất thường. Vì thế, khi cô và các đồng nghiệp cho lồng các chữ giống nhau ở những văn bản khác nhau lên thì nhận được kết quả bất ngờ: Trùng khít hoàn toàn.

“Đã là con người thì không ai có thể viết tay được từng chữ cái trùng khít hoàn toàn trên các văn bản khác nhau như thế, 70 - 80% thì còn có thể nhưng 100% thì không. Từ đó, chúng tôi đưa ra kết luận: Không phải do cùng 1 người viết, mà do bị tô đồ. 

Tô đồ tức là khi có một văn bản viết tay của một người, đối tượng sẽ sử dụng tất cả các chữ đó, sắp xếp thành một nội dung mới bằng cách tô lại từng chữ riêng biệt ở nội dung cũ. Đây là một thủ đoạn tinh vi thường được thực hiện bằng cách đặt chữ cần tô ở phía dưới, sau đó tô lại lên mặt giấy bên trên. Tức là những tờ biên lai nhận tiền đó đã bị một đối tượng khác làm giả, đổ oan cho người đang ngồi tù”.

Sau này, khi cơ quan điều tra bắt giữ được thủ phạm thật, qua khai thác mới biết đối tượng đã sử dụng một tờ giấy nhúng qua xăng để tờ giấy trở nên trong suốt, có thể dễ dàng nhìn thấy nét chữ của văn bản bị đè bên dưới. 

Thiếu tá Trang chia sẻ, yếu tố mấu chốt để xác định được một văn bản là thật hay giả, có phải cùng một người viết ra hay không là phải có mẫu so sánh. Mẫu so sánh được cơ quan điều tra lấy từ đối tượng trong thời gian điều tra.

Dĩ nhiên, có những vụ án mà mẫu cần giám định đã được viết ra từ cách đó rất lâu - vài năm tới vài chục năm. Hơn nữa, chữ viết của con người có thể thay đổi theo thời gian, tình trạng tâm lý, sức khoẻ. Đặc biệt, với những người ít viết, mẫu so sánh và mẫu cần giám định có thể khác nhau rất nhiều. 

Chính vì thế, cái khó của các giám định viên tài liệu so với các đơn vị khác, là sự hỗ trợ của máy móc chỉ đóng một phần vai trò. Cái quan trọng hơn, mang yếu tố quyết định hơn là kinh nghiệm và năng lực của giám định viên. 

Thiếu tá Nguyễn Chí Kiên trước đây tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật. Sau khi ra trường, ông từng đứng lớp dạy học và làm công việc liên quan tới hội họa. Năm 30 tuổi, ông mới vào ngành theo định hướng của đơn vị là sẽ nghiên cứu về mảng nhận dạng và giám định hình ảnh.

Thiếu tá Kiên vẫn còn nhớ một vụ án mình có đóng góp ít nhiều trong việc hỗ trợ cơ quan điều tra nhanh chóng tìm ra thủ phạm.

Ông nhớ, cuối năm 2016, vào những ngày giáp Tết, một ngân hàng ở Huế bất ngờ bị cướp “ghé thăm”. Vụ cướp diễn ra chỉ trong vòng 12 giây. Tên cướp mang theo một khẩu súng bi, bịt mặt và đội mũ bảo hiểm kín mít. Số tiền bị cướp lên tới hàng tỷ đồng. 

“Thành phố Huế yên bình, chưa từng có một vụ cướp ngân hàng nào táo tợn như thế. Ngay lập tức, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động nhiều đơn vị vào cuộc, phối hợp tìm hung thủ”.

Khi mọi hướng đi vào thế bí, lãnh đạo Phân viện Khoa học hình sự tại TP Đà Nẵng mới đưa ra giải pháp dựng lại hình ảnh của đối tượng qua miêu tả của người dân. 

“Lúc ấy mới có một mình tôi làm lĩnh vực đó. Lãnh đạo Phân viện gọi ra hỏi ‘có làm được không?’. Đối tượng đội mũ bảo hiểm, bịt mặt rất kín, nhưng rất may là có một người bán hàng nước bên bờ sông Hương nhận ra một người đi xe máy có biển số như thế khi báo chí đăng tin”.

Thiếu tá Kiên kể lại, trước đó 2 - 3 ngày, đối tượng tới quán nước ngồi khá lâu. Quán chủ yếu bán cho khách quen nên khi có người lạ, lại hút thuốc rất nhiều, chủ quán nhớ mặt, nhớ luôn cả biển số xe và mô tả khá chi tiết. Sau khi đối tượng bị cơ quan điều tra bắt giữ và xác minh đúng người đúng tội, bức chân dung do Thiếu tá Kiên phác họa được đánh giá là giống người thật đến 90%.

Cách đây 15 năm, Phòng Giám định tài liệu từng tham gia hỗ trợ một vụ án gây rúng động dư luận về mức độ dã man của hung thủ. Ngày ấy, Thiếu tá Nguyễn Chí Kiên mới vào ngành và được nghe kể lại từ những người đi trước. 

Đó là năm 2008, cơ quan điều tra nhận tin báo phát hiện một thi thể ở một bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội). Theo các dấu vết để lại, thi thể bị nhét vào một chiếc vali, sau đó bị đốt toàn bộ. Khi tới hiện trường, cơ quan điều tra thấy chỉ còn thấy trơ lại khung sắt của chiếc vali, thi thể đã cháy đen, hình dạng co quắp. Sự việc được báo chí đưa tin rộng khắp và gây phẫn nộ trong dư luận. 

Đêm hôm trước ngày phát hiện thi thể, Hà Nội có mưa phùn rải rác tại khu vực hiện trường - nơi cách xa khu dân cư. Vì thế, mặc dù đã bị than hoá nhưng nhiều đồ vật trong chiếc vali vẫn còn nguyên hình dạng. Chiếc hoa tai, thỏi son, tóc dài nhuộm… và các kết luận khám nghiệm của đội pháp y cho thấy nạn nhân là nữ, khoảng 20-30 tuổi. Đặc biệt, bên cạnh thi thể còn có một cuốn sổ ghi chép đã bị đốt thành than nhưng vẫn giữ nguyên hình thù, chỉ cần khẽ chạm là vỡ vụn. “Tất nhiên, nó không đơn giản là mảnh tro giống như chúng ta đốt vàng mã, mà nó lẫn lộn với rất nhiều thứ chất lỏng của cơ thể người bị cháy”.

Cơ quan điều tra khi ấy là Công an TP Hà Nội đã mang được cuốn sổ ấy về Viện Khoa học hình sự để phân tích, khôi phục chữ viết bên trong. 

Tại Phòng Giám định Tài liệu, bằng nhiều phương pháp sử dụng hóa chất chuyên dụng và kỹ năng bóc tách bằng tay, các giám định viên đã phục hồi được nội dung ký tự. Phát hiện giá trị nhất là ở trang cuối cùng của cuốn sổ. Giám định viên thấy nổi lên những nét chữ tượng hình được xác định là tiếng Hàn Quốc và một số chữ tiếng Việt. 

Nội dung của trang viết này có ghi như sau: “Tôi đã gặp rất nhiều rủi ro ở Việt Nam…Tôi đã cùng người chết đến HCCB. Ngay sau khi gây ra việc này, tôi hy vọng tình yêu của Chúa sẽ giúp đỡ cho tôi…". Bên dưới những dòng chữ tiếng Hàn là một số chữ tiếng Việt được viết với nét chữ nguệch ngoạc giống như của người đang học tiếng Việt.

Đây là những thông tin quan trọng để cơ quan điều tra khoanh vùng đối tượng. 

Và chỉ vài ngày sau, cơ quan điều tra đã xác định được nạn nhân là một nữ sinh viên đang học khoa tiếng Hàn của Trường Đại học Hà Nội. Hung thủ là một thanh niên người Hàn Quốc, vì ghen tuông nên đã ra tay với bạn gái. 

Thiếu tá Nguyễn Chí Kiên chia sẻ, đó chỉ là một vài trong số hàng chục nghìn trưng cầu mà Phòng Giám định tài liệu đã xử lý trong nhiều năm qua. 

Mỗi năm, Phòng giải quyết được khoảng 1.500-2.000 trưng cầu, đa dạng đủ các lĩnh vực, từ làm giả giấy tờ, mẫu mã, bao bì, sách giáo khoa… cho tới các vụ án về kinh tế. “Cứ có phần nào liên quan đến tài liệu, giấy tờ là hầu như đều cần tới bộ phận giám định của chúng tôi”.

Làm giám định tài liệu không có những tình tiết rợn người, không có những bươn chải ngoài hiện trường như các đơn vị đặc thù khác của Viện, nhưng lại có rất nhiều trăn trở và căng thẳng. Căng thẳng nhất nằm ở những vụ án có số lượng lớn mẫu cần giám định, trong khi lại bị sức ép về mặt thời gian. 

Ông Kiên kể: “Nhiều trường hợp, giám định viên phải đứng trước những quyết định ‘cân não’. Và có một quyết định mà giám định viên không bao giờ muốn kết luận, đó là ‘không có đủ cơ sở để khẳng định’. 

Nhiều người cứ nghĩ đó là một kết luận hời hợt, thiếu trách nhiệm. Nhưng thực ra, để đưa ra được kết luận ấy, chúng tôi mất thời gian và công sức để trăn trở, nghiên cứu nhiều hơn cả. Để đảm bảo về mặt công bằng cho các bên liên quan, chúng tôi không được phép chọn bên nào khi chưa có đủ cơ sở để đưa ra kết luận”.

Khi được hỏi có bao giờ nhận được những lời đề nghị hấp dẫn để làm sai khác những quyết định của mình, Thiếu tá Kiên tâm sự: “Thứ nhất là chúng tôi không được tiếp xúc với người dân, mà sẽ nhận hồ sơ thông qua cơ quan trưng cầu. Nhưng trên hết, cả cuộc đời làm giám định viên, chúng tôi có thể phải xử lý hàng ngàn vụ việc. 

Những cái đúng thì không sao, nhưng những cái sai, cái nhầm lẫn... sẽ còn ở đó mãi. Chúng tôi sẽ không đánh đổi danh dự, uy tín của mình để làm việc như vậy”. 

Ảnh: Nguyễn Thảo

Thiết kế: Nguyễn Cúc

MỜI ĐỘC GIẢ ĐÓN ĐỌC PHẦN 5:

‘Người hùng’ phá án trong phòng thí nghiệm: Mọi tương tác đều để lại dấu vết

“Khi các mẫu tinh dịch, mẫu máu, da… được gửi tới, chúng tôi xét nghiệm, cho ra kết quả. Chi tiết bất ngờ là một số mẫu được xác định là của cùng 1 người. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn không truy tìm được đối tượng đó là ai. 

Suốt 2 - 3 năm trời, họ gửi tới Viện hàng loạt mẫu để giám định nhưng vẫn không xác định được hung thủ...

Sức nóng trong lò luyện những người chuyên lao vào lửa

Sức nóng trong lò luyện những người chuyên lao vào lửa

Những hành động vượt lửa, chữa cháy cứu người chỉ diễn ra trong giây phút sinh tử nhưng để có những chiến công làm nên biểu tượng của người lính phòng cháy, họ đã phải trải qua những tháng ngày rèn luyện đổ mồ hôi nơi thao trường.