Có bao nhiêu ca mồ hôi máu trên thế giới?
Hiện trên thế giới mới ghi nhận hơn 200 ca mắc chứng mồ hôi máu. Ở Việt Nam, Bệnh viện Da liễu Trung ương ghi nhận 2 ca là anh N.T.A 24 tuổi ở Hà Nội vào năm 2017 và bé gái 7 tuổi ở Hưng Yên (năm 2018). Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) từng tiếp nhận bệnh nhi H.T.Q.N 11 tuổi tới từ tỉnh Gia Lai vào năm 2018. Ngoài ra, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM điều trị bé gái (10 tuổi, ngụ Bình Dương) vào năm 2022.
Do số lượng ca mắc rất hiếm nên theo Medicalnewstoday, các bác sĩ gặp trở ngại khi tiên lượng hoặc kiểm tra phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất. Tình trạng này có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi cá nhân.
Một nghiên cứu điển hình được công bố trên Ashpublications vào năm 2013 đã thu thập dữ liệu về một cô gái 18 tuổi. Trong 6 tháng, cô bị chảy máu ở trán, mắt, tay, rốn và móng tay. Tất cả xét nghiệm y tế cho thấy sức khỏe bệnh nhân bình thường, mặc dù tần suất chảy máu tăng lên theo thời gian.
Khi nhập viện, cô gái đã trải qua 30 đợt chảy máu khác nhau. Các bác sĩ không chẩn đoán hoặc điều trị được nguyên nhân gây chảy máu, nhưng 20 tháng sau đó, tình trạng chảy máu đã giảm đi rất nhiều.
Nguyên nhân
Chảy máu xảy ra khi các mạch máu nhỏ bị vỡ. Một số mạch máu, bao gồm cả những mạch gần tuyến mồ hôi và niêm mạc, nằm sát bề mặt da hơn. Điều này khiến chúng dễ bị vỡ hơn. Do đó, đổ mồ hôi máu phổ biến hơn ở mũi, trán và các bộ phận khác của cơ thể nằm gần tuyến mồ hôi hoặc niêm mạc.
Những căng thẳng về thể chất và tâm lý bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra đổ mồ hôi máu.
Mặc dù căng thẳng có thể đóng một vai trò nào đó nhưng không thể giải thích đầy đủ hiện tượng này. Tỷ lệ căng thẳng, rối loạn lo âu và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác đã tăng lên trong những năm gần đây, tuy nhiên hội chứng đổ mồ hôi máu thì không. Điều này cho thấy những bất thường khác có thể đóng một vai trò nào đó.
Những người có tiền sử đổ mồ hôi máu có khả năng có khiếm khuyết ở lớp hạ bì của da, tạo không gian cho máu tích tụ.
Nghiên cứu năm 2013 kể chi tiết câu chuyện về một bé gái 12 tuổi mắc chứng đổ mồ hôi máu. Bệnh nhi không bị rối loạn chảy máu, không có tình trạng bệnh lý rõ ràng nào khác và không có tiền sử bất ổn tâm lý hay căng thẳng. Mỗi đợt chảy máu kéo dài 10-15 phút dường như không làm em khó chịu.
Bệnh nhân được kê đơn atropine, loại thuốc ngăn chặn tình trạng không tự chủ của một số chức năng của hệ thần kinh. Theo thời gian, các triệu chứng của trẻ giảm dần, nguyên nhân các triệu chứng vẫn là bí ẩn.
Điều trị
Các bác sĩ thường thực hiện nhiều loại đánh giá bao gồm xét nghiệm máu để xem số lượng tiểu cầu, hồng cầu và bạch cầu có bình thường không; sinh thiết vùng bị ảnh hưởng để kiểm tra các tế bào bất thường; xét nghiệm các bệnh nhiễm trùng khác nhau; kiểm tra tâm lý; xét nghiệm thần kinh, bao gồm quét não.
Tất cả phương pháp điều trị khác đều mang tính thử nghiệm, vì số người mắc quá ít để chứng minh tính hiệu quả của bất kỳ cách chữa đơn lẻ nào. Một số nghiên cứu cho thấy thuốc chẹn beta - nhóm thuốc làm giảm huyết áp có thể làm chậm hoặc ngừng chảy mồ hôi máu.
Đổ mồ hôi máu hiếm khi gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, mặc dù một số người bị mất nước. Các bác sĩ có thể cho thêm thuốc để điều trị triệu chứng này. Tư vấn tâm lý cũng hữu ích nếu người mắc bệnh bị trầm cảm và lo lắng.
Trong một số trường hợp, chảy mồ hôi máu có thể tự ngừng, không cần điều trị.
Hội chứng mồ hôi máu có gây tử vong không?
Đổ mồ hôi máu khiến quần áo, vật dụng ướt đẫm có thể khiến người mắc lo sợ. Tuy nhiên, hội chứng này thường không nguy hiểm. Máu đến từ các mạch máu nhỏ nằm gần bề mặt da, không phải tĩnh mạch hoặc động mạch. Điều này khiến cho việc chảy máu đến chết hầu như không thể xảy ra.
Ngay cả những người bị chảy máu ở nhiều vùng trên cơ thể cũng không có nguy cơ trên mặc dù họ có thể bị chóng mặt, lo lắng và mất nước. Vì máu hòa lẫn với mồ hôi nên những người mắc hội chứng trên cảm thấy lượng máu chảy nhiều, nghiêm trọng hơn thực tế.