"Cần sớm nghiên cứu mở thêm sân bay quốc tế. Hiện Bộ Giao thông vận tải chưa có quy hoạch sân bay, trong khi sân bay xây ở đâu thì cần quỹ đất vài trăm đến hàng nghìn héc ta phục vụ cho hậu cần sân bay".
Đó là quan điểm được ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW”.
Ngoài ra, ông Trần Sỹ Thanh cho rằng, cần tính đến những sân bay tư nhân và sân bay dành riêng cho chuyên chở hàng hóa. Một số nước như Trung Quốc cũng đã có sân bay chuyên chở hàng hóa. "Việt Nam có xây không và xây ở đâu?", ông Thanh băn khoăn.
Bên cạnh đó, nhắc đến chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kể rằng ông vừa tiếp một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Trong đó, vấn đề làm chip bán dẫn đã được đặt ra. Theo ông Trần Sỹ Thanh, Việt Nam mới chỉ thu hút được phần 'xác' của các sản phẩm công nghệ cao, còn phần 'hồn' là các chip bán dẫn vẫn chưa làm được.
Muốn vậy, Việt Nam cần tính toán các chính sách phù hợp cho những dự án 5 tỷ USD, 10 tỷ USD dạng này vì các nhà đầu tư đều hỏi 'cơ chế chính sách của Việt Nam là gì', ông đề xuất.
Báo cáo tại hội nghị này, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Kinh tế vùng tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước với chất lượng được cải thiện dựa nhiều hơn vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với vai trò trụ cột của các khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh, chiếm 31,4% tổng vốn FDI của toàn quốc...
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng còn những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều các địa phương trong vùng. Chất lượng tăng trưởng chưa cao, vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, sản phẩm chủ yếu ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị.
Kết luận hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, hội nghị đã cơ bản thống nhất với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Hồng đã đề ra trong dự thảo báo cáo.
Đặc biệt, cần phải thay đổi tư duy, nhận thức và tầm nhìn đối với liên kết phát triển vùng để vùng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và phát triển dịch vụ hiện đại; nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn phát triển mạnh; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và hệ thống đô thị thông minh, kết nối; phát huy vai trò của các hành lang kinh tế, các khu công nghiệp…
Theo ông Trần Tuấn Anh, hội nghị thống nhất cao với các kiến nghị, đề xuất được nêu trong dự thảo báo cáo nhất là các kiến nghị về ban hành nghị quyết mới của Bộ Chính trị đối với vùng. Trong đó, có các chỉ tiêu cụ thể của vùng cao hơn bình quân chung của cả nước - vùng có nhiệm vụ phải đi đầu cả nước trong thực hiện nhiều chỉ tiêu quan trọng.
"Thống nhất đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch vùng để định hướng cho các địa phương và trở thành công cụ quản lý vùng, địa phương; kiến nghị sớm hoàn thiện thể chế, mô hình tổ chức, bộ máy, nguồn lực đủ mạnh để tăng cường liên kết phát triển vùng, để liên kết vùng trở thành động lực tăng trưởng cho vùng", Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ.