Căn cứ tình hình kinh tế thế giới và diễn biến, kiểm soát dịch bệnh Covid 19 cũng như kết quả ký kết các đơn hàng của các doanh nghiệp năm 2022, Lefaso dự kiến năm 2022 tăng trưởng toàn ngành da giày – túi xách sẽ tăng 10-15% so với năm 2021, đạt khoảng 23-25 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, những tháng đầu năm 2022, ngành da giày có sự hồi phục ấn tượng. Trong 7 tháng đầu năm nay, ngành da giày tăng trưởng 13%, đạt trên 14 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2022, dự báo xuất khẩu của ngành da giày gặp khá nhiều khó khăn. Những bất lợi của tình hình kinh tế thế giới chắc chắn đặc biệt, các thị trường xuất khẩu chính của da giày là EU, Mỹ đều đang chịu lạm phát gia tăng khiến thị trường tiêu dùng sụt giảm, ảnh hưởng đến sức mua chung.

Theo phân tích của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, khi thực hiện các cam kết FTA, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ nhưng các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên. Với ngành da giày và một số ngành công nghiệp khác, thách thức lớn nhất là những quy định về môi trường, lao động với các yêu cầu rất ngặt nghèo, khắt khe.

Đặc biệt, các quy định này được luật hoá, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ để có thể tham gia sân chơi toàn cầu. Chẳng hạn như Đức đưa ra các đạo luật mới về thẩm định trách nhiệm của các chuỗi cung ứng; EU áp dụng việc đánh thuế đối với phát thải khí CO2 trên mỗi đơn vị sản phẩm.

“Không có cách nào khác, các doanh nghiệp phải nắm bắt thông tin, có sự chuẩn bị, có chiến lược hoạt động phù hợp. Theo tôi, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là khó khăn nhất” - bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, các doanh nghiệp trong ngành và cơ quan quản lý phải từng bước giải quyết và ứng phó với các thách thức.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp sản xuất không nên tập trung một số thị trường, cần đa dạng hoá từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu. Với các hoạt động xúc tiến thị trường được triển khai, Hiệp hội hy vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhiều thị trường hơn và có thể nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường khác khi chung ta gặp một số khó khăn do các tác động của tình hình thế giới.

Sản xuất giày Thượng Đình

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải được chú trọng. Hiện, ngành da giày mới chỉ sản xuất được các dòng sản phẩm có chất lượng ở mức trung bình của thế giới. Nếu muốn có sản phẩm giá trị gia tăng cao phải tiến tới sản xuất được sản phẩm chất lượng cao hơn nữa để nâng cao giá trị, từ đó mới thu được lợi nhuận tốt hơn.

Để làm được điều này, chúng ta phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng, tay nghề của lao động thông qua việc triển khai hiệu quả chiến lược đào tạo nghề. Đặc biệt, cần áp dụng các quy định, yêu về chứng chỉ đối với lao động tham gia trong lĩnh da giày.

Hơn nữa,  cần tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, như môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững.

Đồng thời, Hiệp hội mong muốn Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đang được soạn thảo sẽ sớm được phê duyệt, qua đó có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp hai ngành xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp trong giai đoạn tới đây.

Y Nhụy