Những năm 1970, vào trường đại học, không có lúc nào tôi no bụng. Thầy là đồng hương nên tôi thường đến thăm. Mỗi lần đến, thầy cho ăn một bát mì sợi cán tươi nấu cà chua, nêm bột canh.
Với sinh viên như tôi, đó là một bữa tiệc. Vậy là cứ mỗi khi bụng đói cồn lên, tôi lại mò đến thầy để ăn chực bát mì. Cũng có lúc tôi đến vào cuối tháng, hết mì. Thầy và trò cùng đói.
Năm 1978, thầy đi nghiên cứu sinh, từ đó tôi mất liên lạc với thầy. Nhưng hương vị bát mì cứ bám theo cho đến tận bây giờ.
Sau 45 năm, tôi hồi hộp bước vào nhà thầy, tự giới thiệu rồi hỏi “thầy còn nhớ em không?". Lắng lại một lúc, thầy cũng lục tìm trong ký ức, rồi “nhớ, có nhớ. Một vài người có nhắc đến cậu”. Xúc động trào dâng khi biết thầy đã 84 tuổi và có hơn 10 năm điều trị căn bệnh quái ác, lúc nhớ lúc quên.
Cả hai thầy trò cùng nhớ về thời gian khó mà thân thương. Mới biết, sau khi đi học, thầy về công tác ở Tỉnh ủy Lâm Đồng, sau đó về Bảo Lộc.
Thầy tặng tôi 5 tập thơ. Hóa ra dân Toán (dù sau đó thầy sang dạy Triết học) rất có duyên nợ với thơ. Thơ thầy giản dị như cuộc đời, nhưng sâu sắc như triết học. Đó là thầy tôi, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Quang Vinh (bút danh Vĩnh Nguyên).
Chia tay thầy, hương vị bát mì lại xộc lên. Mắt tôi đỏ hoe!
Có những món ăn bình dân, mộc mạc nhưng luôn khiến người con đất Việt vương vấn. Khi xa nhà, chỉ cần tên món ăn được nhắc đến, bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về khiến lòng người thổn thức, nhớ da diết vị quê hương. VietNamNet đăng tuyến bài Những món ăn gợi nhớ quê nhà. Tuyến bài là ghi chép của độc giả trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài về các món ăn ngon, hấp dẫn của Việt Nam. Bài viết của độc giả vui lòng gửi về địa chỉ mail: bandoisong@vietnamnet.vn |
Lê Khánh Tuấn