Cuộc sống tươi đẹp của Josefina Guerrero dường như đã kết thúc khi cô được chẩn đoán mắc bệnh Hansen (bệnh phong). Con gái bị bắt đi, chồng cũng rời nhà. Tình hình càng tồi tệ hơn khi quân Nhật xâm chiếm Philippines khiến Josefina không thể lấy được thuốc chữa trị.
Mặc dù bệnh trở nặng nhưng Josefina quyết không thể chết trong đau đớn mà phải sống trong danh dự. Vào thời điểm đó, quân Mỹ và các lực lượng phòng thủ địa phương bị áp đảo, đất nước bị chiếm đóng, Josefina quyết định gia nhập phong trào kháng chiến Philippines. Cô trở thành một điệp viên và sau này là một người rất quan trọng trong việc giành lại Manila, theo trang web Military.
Bước ngoặt cuộc đời
Trước chiến tranh, Josefina Guerrero có một cuộc sống tốt đẹp như mong đợi. Cô được gả vào một trong những gia đình danh giá nhất Philippines, có con gái đáng yêu 2 tuổi. Tuy nhiên, sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh phong vào năm 1941, tất cả mọi thứ của Josefina đã thay đổi.
Lúc đó, bệnh phong được cho là dễ lây lan song thực tế là những người tiếp xúc với vi khuẩn không bao giờ phát bệnh. Các phương pháp điều trị vào thời điểm đó không có hiệu quả về mặt y tế nhưng có thể ngăn ngừa các bệnh về da.
Tháng 1/1942, Nhật chiếm đóng Manila khiến Josefina không được điều trị, những người mắc bệnh phong ở Manila bị bắt phải đeo chuông. Mặc dù điều này là một sự sỉ nhục với người Philippines bình thường nhưng với Josefina đó lại là con át chủ bài.
Josefina bắt đầu báo cáo về các cuộc chuyển quân và sự hiện diện của binh sĩ Nhật ở gần nhà. Cuối cùng, cô đã trở thành người đưa tin cho phong trào kháng chiến, giúp chuyển tin nhắn và các thông tin giữa các đơn vị. Ban đầu, lính Nhật khá hung dữ với Josefina, buộc cô phải che giấu những thông điệp mang theo người. Khi bệnh của Josefina trở nặng hơn, điều đó bắt đầu thay đổi.
Người phụ nữ trẻ đeo mạng và khi quân chiếm đóng bắt đầu cuộc khám xét toàn thân như thường lệ, cô tháo mạng để lộ những tổn thương trên da. Sau khi nói mình mắc bệnh phong, quân Nhật đã bỏ qua cho cô.
Josefina ngày càng táo bạo hơn, cô bắt đầu vận chuyển vũ khí và vật tư cho các chiến binh kháng chiến, vẽ bản đồ công sự và những nơi đặt súng máy của quân Nhật. Nhờ một trong các bản đồ của Josefina, quân Mỹ đã tấn công được các công sự của quân Nhật ở cảng Manila vào ngày 21/9/1944.
Ngay tháng sau, quân đội Mỹ đã đổ bộ vào Leyto và bắt đầu tái chiếm hòn đảo này từ tay lực lượng Nhật. Tháng 12/1944 và tháng 1/1945, quân Mỹ đổ bộ lên Luzon. Trong tuần cuối cùng của tháng 1/1945, Mỹ giành lại căn cứ không quân Clark Field ở Luzon và đổ bộ lính dù xuống phía nam thành phố này.
Trở thành điệp viên nắm giữ bí mật lớn
Sư đoàn kỵ binh số 1 của Mỹ khi đó được triển khai cách Manila khoảng 60km về phía bắc, tạo lập thế gọng kìm nhằm gây sức ép với quân Nhật. Tuy nhiên, quân Nhật kháng cự mạnh và giữa quân Mỹ ở phía bắc Manila với chính thành phố này lại là những bãi mìn cực lớn, ngăn cản bước tiến của quân Mỹ.
Josefina định mang bản đồ về bãi mìn tới trụ sở chính của quân Mỹ ở Calumpit. Dù không biết rõ Calumpit ở đâu, song Josefina vẫn dính bản đồ vào lưng và bắt đầu lên đường. Bất chấp các trạm kiểm soát và sự hiện diện của quân Nhật ở khắp mọi nơi, cô đi bộ suốt 40km tới thành phố Malolos mà không gặp phiền toái gì. Từ đó, Josefina tiếp tục lên thuyền đi vào khu vực chiến sự, tránh những tên cướp trên sông rồi đi bộ tiếp quãng đường còn lại.
Khi tới nơi, Josefina phát hiện quân Mỹ đã tiến tới Malolos. Cô quay lại và chuyển bản đồ cho một sĩ quan thuộc Sư đoàn bộ binh số 37. Nhờ các bản đồ của Josefina, quân Mỹ có thể đi xuyên qua các bãi mìn và tiến vào Manila. Josefina đã đi cùng quân Mỹ, chăm sóc cho những người bị thương và đưa trẻ em tới nơi an toàn.
Manila bị tàn phá vì cuộc chiến nhưng quân Mỹ đã đánh bật được lực lượng Nhật. Sau khi giao tranh kết thúc, Josefina bị đày tới trại phong cách đó khoảng 30km. Điều kiện sống tại đây rất tồi tệ nhưng cô đã cố hết sức để dọn dẹp và thắp lên một tia sáng cho những người đau khổ đang sống ở đó. Josefina viết thư cho một người bạn ở Mỹ và lá thư đã giúp nói lên tình trạng ở khu trại này.
Qua trao đổi, Josefina biết được những tiến bộ trong việc điều trị căn bệnh của mình. Tới năm 1948, Josefina được đưa tới Mỹ để được chữa trị theo phương pháp mới. Cô là người đầu tiên mắc bệnh phong được cấp thị thực vào Mỹ. Câu chuyện của Josefina cũng như những thành tích thời chiến của cô đã được đăng trên tạp chí Time.
Với những hành động dũng cảm của mình, Josefina đã nhận được Huân chương Tự do với cây cọ bạc của Mỹ. Đây là huân chương mà Tổng thống thứ 33 của Mỹ Harry Truman tạo ra để vinh danh những công dân nước ngoài chống lại sự chiếm đóng và giúp cứu sống người Mỹ.
Năm 1948, bệnh của Josefina đã nặng tới mức phải mất 9 năm điều trị mới có thể chữa khỏi hoàn toàn. Sau khi khỏi bệnh vào năm 1957, Josefina gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm và đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về Philippines. Nhưng với sự giúp đỡ của các cựu binh Thế chiến II và sức ép của báo giới với chính quyền, Josefina có thể định cư vĩnh viễn ở Mỹ và được cấp quyền công dân. Năm 1967, Josefina trở thành công dân Mỹ và dành phần đời của mình ở đây.