Lời mời hấp dẫn và mức lương "khủng"
Lê Thị Minh Tuyết (sinh năm 2004), hiện đang là sinh viên năm 2 của Trường Cao đẳng FPT. Trong buổi phỏng vấn với doanh nghiệp, cô sinh viên trẻ chỉ có ý định ứng tuyển nhân viên nhưng lại được doanh nghiệp mời làm ở vị trí trưởng nhóm.
Chia sẻ về lý do có thể lọt được vào “mắt xanh” của các nhà tuyển dụng, Minh Tuyết cho biết, cô đã theo ngành bán hàng livestream được 2 năm, kể từ khi còn học cấp 3. Khi làm việc, Tuyết không chỉ hoàn thành phần việc của mình mà luôn nhiệt tình giúp đỡ các anh chị trong mảng lên ý tưởng, quay video, nhờ vậy mà cô có thêm nhiều kinh nghiệm phong phú.
“Ngay sau khi bên doanh nghiệp đọc hồ sơ của mình, hỏi kinh nghiệm và hiểu biết của mình về sản phẩm, họ đã mời mình làm việc với vị trí trưởng nhóm. Mình rất bất ngờ vì không nghĩ kết quả lại vượt qua sự mong đợi của mình như vậy” - Minh Tuyết chia sẻ.
Nữ sinh nói rằng, mức lương 80 triệu đồng/tháng xứng đáng với khả năng và công sức của cô ở thời điểm hiện tại.
Không chỉ làm đại diện ở mảng livestream cho nhãn hàng, cô gái trẻ còn tìm cách tăng thu nhập từ các nguồn khác nhau. Cô hiện cũng đang sở hữu một studio livestream ở Hà Nội, bao gồm đội ngũ livestream, quảng cáo và vận hành. Cô ước tính số tiền thu được cho bản thân từ việc kinh doanh studio dao động từ 40-50 triệu/tháng.
Cảm thấy thiếu nếu một ngày không phải làm việc
Minh Tuyết tự nhận bản thân là một người khá cuồng công việc. Sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh, cô bắt đầu công việc kinh doanh của mình từ khá sớm. Năm lớp 7, Tuyết làm đầu mối sỉ cho các cộng tác viên bán hàng bán lẻ trên mạng xã hội, và bắt đầu kiếm được lợi nhuận từ đó.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Tuyết muốn tiếp tục theo đuổi kinh doanh. Trong khoảng thời gian từ cấp 3 đến khi học cao đẳng, Tuyết đã quen với công việc livestream bán hàng. Khoảng thời gian đầu, cũng có những lúc Tuyết cảm thấy nhàm chán vì công việc lặp đi lặp lại.
Sau đó, Tuyết tìm ra phương pháp để xử lý vấn đề của bản thân, đó chính là livestream cho nhiều nhãn hàng. Cô chỉ livestream cố định cho 1-2 nhãn hàng cố định, còn lại, tranh thủ nhận thêm các công việc livestream bên ngoài.
Đôi khi, tần suất công việc dày đặc, di chuyển liên tục giữa các tỉnh cũng khiến Tuyết cảm thấy chút mệt mỏi. Nhưng vì đam mê với nghề, cô sinh viên vẫn cố gắng sắp xếp sao cho đảm bảo sức khoẻ và hiệu suất công việc.
Cô Nguyễn Minh Anh, giảng viên tại trường đánh giá Tuyết là một học sinh năng động, hòa đồng. Dù lịch đi làm dày đặc, em vẫn luôn đảm bảo việc học tập đạt kết quả tốt.
Song song với việc đào tạo chuyên ngành sát với thực tiễn, cô Minh Anh cho hay, sinh viên tại trường cũng luôn được trang bị các kỹ năng mềm như thuyết trình, giao tiếp, chuẩn bị hồ sơ, làm việc nhóm…để bước vào thị trường lao động với tâm thế tự tin nhất. Đó cũng là yếu tố giúp Minh Tuyết có thể gây ấn tượng khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp.
Về phần Minh Tuyết, em cho biết, sắp tới, mong muốn phát triển hơn doanh nghiệp tư nhân, mở studio rộng hơn, mở thêm chi nhánh và các cửa hàng thời trang ở Bắc Ninh và Hà Nội.
(Theo Lao động)