Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà ở cả vùng miền núi, dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ninh.

Tại khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP. Các doanh nghiệp tại đây đã thực hiện liên kết với nhóm hộ phát triển các vùng sản xuất tập trung, tạo đầu ra ổn định, từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao, tăng 181 sản phẩm so với cuối năm 2020 trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số , miền núi, biên giới, hải đảo có 76 sản phẩm tham gia với 62 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao. 100% các sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, trong các sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao ở nhóm sản phẩm khác nhau, có rất nhiều sản phẩm ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Ninh như: Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ... Những sản phẩm OCOP của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ninh mang đặc trưng của văn hóa địa phương, đã và đang khẳng định chỗ đứng trên bản đồ sản phẩm OCOP Việt Nam cũng như vươn ra ngoài thế giới. Điển hình như: Gà Tiên Yên, miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ...

W-anhgacon.png
Gà giống Tiên Yên

Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh tế áp dụng khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển và được nhân rộng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Mô hình trồng trà hoa vàng, nuôi bò tại huyện Ba Chẽ, mô hình nuôi dê sinh sản tại huyện Bình Liêu và mô hình nuôi lợn nái, gà thương phẩm, trồng mía tím… ở các địa phương trong tỉnh. Đây được xem như một bước đột phá, mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập theo hướng gia tăng giá trị, đồng thời quảng bá nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Nhằm thực hiện đa dạng sinh kế cho người dân để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, thời gian qua, tỉnh cũng triển khai một loạt các giải pháp để giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số . Trong đó, nguồn vốn vay tín dụng chính sách được coi là một trong những “chìa khóa” giảm nghèo được triển khai hiệu quả nhất.

Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã ưu tiên dành 240 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, tỉnh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo tiêu chí của Trung ương và triển khai áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh cao hơn quy định của Trung ương.

Đến nay, toàn tỉnh đã xóa được 165 hộ nghèo và giảm được 1.145 hộ cận nghèo; tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Theo chuẩn nghèo của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, hiện tỉnh chỉ còn 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó 171 hộ nghèo dân tộc thiểu số  chiếm 69,5% trên tổng số hộ nghèo; 3.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó 1.638 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số  chiếm 54,48% trên tổng số hộ cận nghèo. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã vùng dân tộc thiếu số miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt trên 73 triệu đồng/ người (tăng 27,248 triệu đồng/người/năm so với năm 2020, tăng 18,948 triệu đồng/người/năm so với năm 2022).