LTS: Trải qua 20 năm, kể từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt Đề án Phát triển tổng thể đảo Phú Quốc (tháng 10/2004), đến nay Phú Quốc đã có những bước tiến vượt bậc về chất lượng, quy mô.
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích câu chuyện phát triển Phú Quốc và đưa ra những gợi ý chính sách để đưa thành phố này tiếp tục phát triển đột phá, cạnh tranh quốc tế.
Phú Quốc trỗi dậy
Dân số Phú Quốc đến nay đạt hơn 149 nghìn người, cao gần gấp đôi so với năm 2004.
Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, du lịch - ngành chiếm 70% giá trị sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 70% dân số Phú Quốc. Năm 2023 đạt 6.848 tỷ đồng, tăng 49,17 lần so với năm 2004 (136,5 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 38%/năm, cao gấp 6 lần bình quân cả nước.
Tốc độ tăng trưởng khách và doanh thu du lịch của Phú Quốc giai đoạn 2011-2023 đạt 20-30%/năm. Năm 2023, lượng khách đến Phú Quốc đạt 5,4 triệu lượt.
Thu nhập lao động của Phú Quốc hiện đạt khoảng 5.000 USD/năm, cao hơn mức trung bình cả nước 35-40%.
Doanh thu từ hoạt động dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch năm 2023 đạt 6.848 tỷ đồng tăng 49,17 lần so với năm 2004 (năm 2004 chỉ đạt 136,5 tỷ đồng).
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua các năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng, tăng gần 64 lần với năm 2004 (năm 2004 là 310 tỷ đồng).
Tổng mức bán lẻ hàng hoá bình quân hàng năm tăng 19,59%, cao gấp đôi so với bình quân cả nước.
Tổng thu ngân sách tăng cao qua các năm, đóng góp tỷ lệ lớn vào ngân sách chung của tỉnh. Nếu như năm 2004 tổng thu ngân sách chỉ đạt 38,59 tỷ đồng, thu không đủ chi thì năm 2023 thu ngân sách đạt 7.812,7 tỷ đồng (tăng trên 113 lần so với năm 2004).
Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây Phú Quốc không những tự chủ ngân sách từ nguồn thu mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh. Thu ngân sách Phú Quốc hiện nay tương đương với một vài tỉnh lân cận.
Những số liệu trên phản ánh sự phát triển mạnh mẽ mà Phú Quốc đạt được trong hai thập niên qua, đặc biệt là giai đoạn sau năm 2010.
Đây cũng là kết quả tất yếu của nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và của cả nước trong suốt một quá trình dài.
Từ mục tiêu chiến lược được xác định ngay từ đầu và những hỗ trợ phát triển đặc thù mà Trung ương và tỉnh Kiên Giang dành cho Phú Quốc nhờ đó, thành phố này đã tạo sức hấp dẫn đầu tư.
Phú Quốc đang đóng vai trò là một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng hàng đầu của tỉnh Kiên Giang và vùng ĐBSCL. Hơn thế, cách thức và tư thế phát triển “vượt trước” của Phú Quốc còn trao cho mình sứ mệnh tiên phong là dẫn dắt và thúc đẩy quá trình phát triển vùng.
Phát triển theo logic “đặc cách - vượt cấp”
Chỉ tính trong vòng 2 thập niên, kể từ năm 2004, Phú Quốc đã chuyển mình từ một huyện đảo nghèo, cách xa và hầu như tách biệt khỏi các trung tâm phát triển lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… thành một thành phố du lịch biển đảo hiện đại.
Phú Quốc có quỹ đạo phát triển theo logic “đặc cách - vượt cấp” thay vì theo lộ trình “đô thị hóa tuần tự”. Từ huyện đảo hầu như “thuần nông” với đô thị cấp thị trấn (đô thị loại 5), Phú Quốc “tiến thẳng” lên đô thị loại 2 năm 2014 (Quyết định số 1676/QĐ-TTg).
Đến tháng 12/2020, Phú Quốc được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh - đô thị biển đảo đầu tiên của cả nước.
Dù không được trao quy chế “Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt”, nhưng cách đặt vấn đề xây dựng Phú Quốc thành “Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt” cùng với những nỗ lực lâu dài của Kiên Giang và của Trung ương cho mục tiêu đó đã đưa Phú Quốc phát triển vượt bậc.
Thừa nhận thực tế này, cần lưu ý việc “vượt” logic tuần tự trong quy trình công nhận các “chức danh” đô thị đối với Phú Quốc không phải là kết quả của nỗ lực “cố lấy được” các danh hiệu đô thị “bậc cao” theo cách “vay mượn” các chỉ tiêu như nhiều đô thị khác. Sân bay quốc tế Phú Quốc là một ví dụ.
Chính các lợi thế phát triển của Phú Quốc, cộng hưởng với xu thế thời đại, chuyển hóa lợi thế so sánh (lợi thế tiềm năng) thành lợi thế cạnh tranh và động lực phát triển thực tế, tạo cho Phú Quốc năng lực tiến vượt, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ du lịch – nghĩ dưỡng.
Nhiều nhà đầu tư phát triển bất động sản và du lịch trong đó là các tập đoàn kinh tế tư nhân “thuần Việt” đã có mặt ở thành phố này. Đây là một đặc điểm có ý nghĩa trong chiến lược phát triển dựa vào khai thác tối đa lợi thế to lớn như thiên nhiên hoang sơ, vị thế địa - chiến lược trong khu vực.
Doanh nghiệp – nguồn lực quyết định sự phát triển
Hiện thành phố có 4.404 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 142.000 tỷ đồng, tăng 17 lần số doanh nghiệp thành lập và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so năm 2004.
Khu kinh tế Phú Quốc thu hút 321 dự án đầu tư, với diện tích sử dụng đất khoảng 10.652ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội trên địa bàn thành phố liên tục tăng qua các năm. Nếu năm 2004 là 310 tỷ đồng thì đến cuối năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng, tăng gần 64 lần.
Theo “Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2022”, Phú Quốc “xếp trên” 23 tỉnh về số lượng doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực lực doanh nghiệp của Phú Quốc vượt trội vì tỷ lệ “Đại bàng” trong tổng số doanh nghiệp cao hơn hẳn như Vingroup, Sun Group với số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. BIM Group, CEO Group, TTC, và gần đây là Tân Á Đại Thành với số vốn đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng.
Phú Quốc thu hút được nhiều doanh nghiệp hàng đầu về phát triển đô thị - du lịch đến đầu tư phát triển mà rất ít địa phương hội tụ được nhiều nhà đầu tư chiến lược đẳng cấp cao như vậy. Điều này thể hiện, sự khác biệt, sức hấp dẫn, đẳng cấp phát triển cao của Phú Quốc.
Tuyệt đại đa số doanh nghiệp dầu tư vào Phú Quốc cho đến nay là doanh nghiệp Việt. Phú Quốc thực sự là mảnh đất có sức hấp dẫn dầu tư “thuần Việt” cao, theo cách lấy các Tập đoàn lớn làm trụ cột và hoạt động với tinh thần đua tranh quốc tế tầm cao.
Gắn liền với lực lượng doanh nghiệp là các dự án phát triển, đặc biệt là các dự án hạ tầng du lịch (khách sạn, khu vui chơi giải trí…). Nhiều dự án du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế như hệ thống cáp treo Hòn Thơm, Khu vườn thú bán hoang dã Safari, quần thể vui chơi giải trí GrandWorld, khu vui chơi giải trí Sun World Hon Thom Nature Park, ... với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Park Hyatt, Intercontinental, Novotel, Accor,…
Đây là một trong những điểm đặc sắc của quá trình phát triển Phú Quốc hiện đại, cần được lưu ý trong quá trình chính sách.
Kì tới: Định vị Phú Quốc cho tương lai
Lan Anh lược ghi