Thông tin của những người từng mua bán tài khoản sẽ được hệ thống ngân hàng thu thập vào một kho dữ liệu. Khi thực hiện giao dịch, các ngân hàng sẽ nhận được cảnh báo để thực hiện tăng cường xác thực đối với những người dùng này. Đây là thông tin vừa được đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại hội thảo "Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng" ngày 13/5.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng, với những người bị liệt kê vào danh sách này thì với một số giao dịch thay vì thực hiện trên môi trường điện tử, họ sẽ được mời ra quầy giao dịch hoặc được yêu cầu có biện pháp xác thực tăng thêm.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam hiện đã có tài khoản thanh toán. Nhiều ngân hàng có trên 95% số lượng giao dịch xử lý trên kênh số, chỉ 5% giao dịch tại quầy. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận xấp xỉ 11 tỷ giao dịch thanh toán không tiền mặt, tăng 50% so với năm 2022.
Trong bối cảnh việc thanh toán không tiền mặt tăng nhanh, xuất hiện nhiều thủ đoạn được kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo người dùng. Đó có thể là việc thao túng tâm lý, thực hiện các biện pháp để người dùng tự chuyển tiền đến tài khoản được chỉ định. Kẻ lừa đảo cũng có thể chiếm dụng máy của người sử dụng để chuyển tiền đi, hoặc lấy cắp thông tin danh tính, cài sang thiết bị khác để làm những việc khác.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho hay, chỉ khi nhận diện đúng nguy cơ thì sẽ có giải pháp để xử lý vấn đề.
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ 1/7/2024, tất cả giao dịch ngân hàng có giá trị trên 10 triệu đồng sẽ bắt buộc phải kiểm tra khuôn mặt của người giao dịch với khuôn mặt chủ tài khoản khi mở tài khoản.
Khuôn mặt chủ tài khoản khi mở tài khoản phải được kiểm tra với thông tin trên căn cước công dân gắn chip. Ngoài ra, nếu giao dịch của người dùng trong một ngày đạt ngưỡng 20 triệu, họ sẽ phải thực hiện việc xác thực lại khuôn mặt.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, trước khi có căn cước công dân gắn chip, có một vấn nạn liên quan đến sử dụng giấy tờ giả khi mở tài khoản ngân hàng. Giao dịch viên sẽ rất khó xác định đâu là giấy tờ thật, đâu là giấy tờ giả bằng mắt thường. Tuy nhiên, điều này có thể được giải quyết bằng công nghệ.
Căn cước công dân gắn chip sẽ đảm bảo việc người mở tài khoản ngân hàng là người thật, không sử dụng giấy tờ giả. Với giải pháp công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ mất từ 1 đến 2 giây là đã xác thực xong khuôn mặt người dùng. Giải pháp eKYC với hơn 40 yếu tố nhận diện sẽ hoạt động tốt hơn nhiều việc nhận biết thủ công. Đây là cuộc cách mạng trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, Quyết định 2345 sắp có hiệu lực của Ngân hàng Nhà nước cũng còn có 2 điểm quan trọng. Nếu người sử dụng cài đặt trên một thiết bị mới, họ phải có biện pháp xác thực với thiết bị cũ, để tránh việc kẻ gian đánh cắp thiết bị. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu ghi lại thông tin về thiết bị thực hiện các giao dịch trực tuyến của khách hàng và nhật ký (log) xác thực giao dịch tối thiểu trong vòng 3 tháng.