Vài năm trở lại đây, không ít trường đại học có số lượng sinh viên tốt nghiệp xếp loại giỏi và xuất sắc ngày càng nhiều. Thậm chí đã có trường chỉ gần 20% sinh viên tốt nghiệp loại khá trở xuống.
Lời tòa soạn
Những năm gần đây, tại không ít trường đại học, số sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc ngày càng nhiều. Việc xuất hiện quá nhiều sinh viên đạt kết quả học tập rất cao đặt ra nhiều câu hỏi như: Cách kiểm tra đánh giá sinh viên hiện nay ra sao? Bằng cấp có thực sự đi đôi với năng lực?...
Tuyến bài “Tại sao ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc?” giúp độc giả hiểu rõ hơn tình trạng này.
Có những trường 50-80% sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc
Trong 4.934 sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM được trao bằng tốt nghiệp đợt ngày 19-26/3 vừa qua thì có 2.906 người xếp loại giỏi, 107 người loại xuất sắc. Tổng số sinh viên tốt nghiệp xếp loại giỏi và xuất sắc là 3.013, chiếm tỷ lệ 61,06%.
Cũng tại đại học này, năm 2023, trong đợt trao bằng tốt nghiệp 21-23/6 cho 2.839 sinh viên đã có 1.090 loại giỏi, 99 xuất sắc. Số sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc chiếm 41,88%. Còn ở đợt trao bằng tốt nghiệp 21-25/3 cho 4.372 sinh viên thì có 2.057 giỏi, 46 xuất sắc. Tổng số sinh viên tốt nghiệp xếp loại giỏi và xuất sắc là 2.103 em chiếm tỷ lệ 48,1%.
Trước đó một năm, trong đợt tốt nghiệp từ 12-16/7/2022 cũng của ĐH Kinh tế TP.HCM, trong hơn 2.240 sinh viên nhận bằng đã ghi nhận 1.053 loại giỏi, 9 xuất sắc. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc chiếm gần 50%.
Mới đây, trong 1.087 em tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội hệ chính quy đợt 1 năm 2024, có 34,4% sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 48,2% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Tỷ lệ xuất sắc và giỏi là 82,6%.
Trong khi đó, ở Trường ĐH Hoa Sen, trong đợt tốt nghiệp cuối tháng 2 vừa qua đã có 713 sinh viên xếp loại giỏi và loại xuất sắc trong tổng số 1.553 em được trao bằng, chiếm gần 50%. Trước đó, cũng tại trường này, trong đợt tốt nghiệp ngày 6/8/2022 cho gần 700 sinh viên, hơn 200 em đã được trao bằng xuất sắc. Còn nếu tính cả bằng giỏi và xuất sắc, tỷ lệ chiếm hơn 30% số sinh viên tốt nghiệp.
Tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, trong đợt tốt nghiệp 8/12/2023 ở các ngành Quản trị kinh doanh và Marketing, Quản trị du lịch và Khách sạn Quốc tế, Kinh doanh quốc tế đã có 7,8% sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 32,5% sinh viên xếp loại giỏi...
Và ở chiều ngược lại...
Trong khi đó, tại nhiều trường đại học ghi nhận số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc không cao, chỉ xấp xỉ 20%.
Trong đợt trao bằng hồi tháng 11/2023 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho 3.577 sinh viên, chỉ có 421 em tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc, đạt tỷ lệ 11,7%. Những sinh viên tốt nghiệp loại này đa phần có điểm IELTS đạt từ 8.0 và có thành tích nổi bật trong công bố khoa học, đồng tác giả của nhiều bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus (bao gồm các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới).
Còn tháng 5/2023, Trường ĐH Tôn Đức Thắng trao bằng cho gần 2.300 sinh viên, trong đó có 267 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc, đạt tỷ lệ 11,6%. Trước đó, tháng 10/2022, trong hơn 3.100 sinh viên tốt nghiệp trường này chỉ 1 em xếp loại xuất sắc và 374 em loại giỏi, đạt tỷ lệ 12%.
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trong đợt tốt nghiệp tháng 11/2023, gần 3.203 sinh viên được trao bằng thì có 712 em đạt loại giỏi và xuất sắc, chiếm khoảng 22%.
1.264 sinh viên Trường ĐH Sài Gòn được nhận bằng trong đợt tốt nghiệp 21-22/8/2023 nhưng chỉ 84 em xếp loại xuất sắc và giỏi, chiếm tỷ lệ 6,5%. Trong đợt trao bằng ngày 11-12/8/2023 cho 1.428 sinh viên thì ghi nhận có 506 em giỏi và xuất sắc, đạt tỷ lệ 35%. Đợt tốt nghiệp 15/4/2023 cho 872 sinh viên chỉ có 76 em giỏi và xuất sắc, đạt tỷ lệ 8,7%...
Số tốt nghiệp giỏi và xuất sắc ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng khá thấp. Trong đợt tốt nghiệp tháng 7/2023 có 2.025 em được trao bằng thì 219 nhận loại giỏi và xuất sắc, đạt tỷ lệ 10,8%...
So sánh tỉ lệ tốt nghiệp giữa hai nhóm nói trên, một vấn đề được đặt ra là tại sao lại có sự chênh lệch quá lớn như vậy về kết quả học tập của sinh viên các trường.
Bài 2: Nhiều sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc: Trường đã "nhẹ tay"?
Số sinh viên được đào tạo trình độ đại học một số chuyên ngành Sư phạm dù tương đối lớn song sau khi tốt nghiệp ít dự tuyển ngành giáo dục để trở thành giáo viên.
Hoàn thành chương trình tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ trong 3 năm với bảng điểm 100% đạt A và A+, Nguyễn Hoàng Dương trở thành thủ khoa có điểm cao nhất trong lịch sử của ngôi trường này.
18 tuổi, ngay sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thị Thu Hoa (dân tộc Mường, Phú Thọ) quyết định khởi nghiệp khi nhìn thấy tiềm năng phát triển món ăn truyền thống của quê hương.