Lấy ý kiến từ cơ sở để sửa Luật Bưu chính phù hợp với tình hình mới

Ngày 10/5, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết Luật Bưu chính năm 2010.

Có sự tham dự của đại diện 63 Sở TT&TT trên cả nước, các đơn vị nghiệp vụ A03, A06 của Bộ Công an cùng một số đơn vị trong Bộ TT&TT, hội nghị nhằm nhìn nhận lại, đánh giá những kết quả đã đạt được của lĩnh vực bưu chính kể từ năm 2010 đến nay. Quan trọng hơn, hội nghị tập trung thảo luận, nêu ý kiến về những điểm hạn chế, những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Bưu chính 2010 để tạo tiền đề hình thành thị trường bưu chính phát triển lành mạnh, bền vững trong 5-10 năm tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, việc sửa đổi Luật Bưu chính lần này phù hợp với định hướng của Chính phủ. Hiện nay, một trong những trọng tâm quan trọng của Chính phủ là hoàn thiện thể chế pháp luật. Luật Bưu chính 2010 đã được ban hành từ gần 14 năm trước, cần phải được điều chỉnh, sửa đổi.

W-hoi nghi tong ket luat buu chinh 1.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 Sở TT&TT về tổng kết Luật Bưu chính 2010. Ảnh: T.Hương

Mặt khác, năm 2022, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt "Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030". Chiến lược này đã xác định rõ quan điểm: Phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia. Hạ tầng bưu chính được sử dụng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bưu chính và các sản phẩm, dịch vụ khác; tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp, trong đó lấy mạng bưu chính công cộng làm nòng cốt.

“Chủ trương, định hướng đã có, tầm quan trọng của lĩnh vực bưu chính cũng đã được khẳng định. Chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của Sở TT&TT để Bộ chỉ đạo Vụ Bưu chính và các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Luật Bưu chính sửa đổi”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương chia sẻ.

Đại diện Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT) cho biết thêm, chiến lược phát triển bưu chính là chiến lược độc lập cấp quốc gia đầu tiên của lĩnh vực bưu chính, mang một khát vọng và tầm nhìn lớn của lĩnh vực khi xác định đến năm 2030, bưu chính phải trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số.

“Vì thế, việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Bưu chính 2010 cũng là nhiệm vụ quan trọng đã được xác định trong chiến lược, tạo cơ sở pháp lý để lĩnh vực bưu chính sớm đạt được mục tiêu, tầm nhìn như chiến lược đã đề ra”, đại diện Vụ Bưu chính cho hay.

Đề xuất sửa phạm vi, điều kiện cấp phép bưu chính

Trao đổi tại hội nghị, đại diện các Sở TT&TT đều thống nhất rằng, đã đến lúc cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bưu chính 2010 nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế, đảm bảo quy định pháp luật bưu chính phù hợp hơn với tình hình mới.

Đánh giá tổng kết công tác thi hành Luật Bưu chính 2010, bên cạnh việc điểm ra những kết quả đạt được trong hơn 13 năm qua, đại diện Vụ Bưu chính cũng nêu ra 8 nhóm vấn đề được tổng hợp, khái quát từ ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, bao gồm: chồng lấn giữa bưu chính và vận tải hàng hóa; phạm vi cấp giấy phép bưu chính; điều kiện cấp giấy phép bưu chính; bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính; chất lượng dịch vụ bưu chính; dịch vụ bưu chính công ích; quản lý doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương mại trong bưu chính; quản lý mô hình kinh doanh mới.

W-vietnam-post-15-1-1-1.jpg
Nhiều đại diện Sở TT&TT địa phương đề xuất có Luật Bưu chính sửa đổi quy định tiêu chuẩn tối thiểu về chất 
lượng dịch vụ bưu chính. Ảnh minh họa: Q.Bảo

Nêu quan điểm của một đơn vị trực tiếp quản lý lĩnh vực bưu chính tại địa phương, đại diện Sở TT&TT TP.HCM cho rằng, việc sửa đổi Luật Bưu chính phải làm sao để vừa thúc đẩy phát triển lĩnh vực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường bưu chính, vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dùng và an ninh bưu chính, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội quốc gia.

Về vấn đề cụ thể, bên cạnh đề xuất quy định các đơn vị kinh doanh dịch vụ thư, bưu gửi có địa chỉ đều phải cấp phép, đại diện Sở TT&TT TP.HCM cũng kiến nghị Luật Bưu chính sửa đổi có quy định cụ thể về các điều kiện để các đơn vị được cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính như về tài chính, nhân sự, hạ tầng song không nên đưa quy định về ký quỹ. Đồng thời, để bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính, cần yêu cầu doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ số trong quản lý dữ liệu của doanh nghiệp. 

Từ thực tế công tác quản lý nhà nước lĩnh vực bưu chính tại Hà Nội, đại diện Sở TT&TT Hà Nội nhận xét: một bất cập hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước đang quản lý chặt số ít doanh nghiệp, trong khi số lượng lớn doanh nghiệp hoạt động theo nội dung của văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính thì khó quản lý. Vì thế, Sở TT&TT Hà Nội đề xuất phương án gộp Giấy phép bưu chính và Văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính thành 1 loại giấy phép là Giấy phép bưu chính để quản lý chặt các doanh nghiệp được cấp phép.

“Việc này cũng phù hợp với xu hướng hiện nay khi thương mại điện tử phát triển và bưu chính là hạ tầng của thương mại điện tử, phù hợp với Luật Đầu tư, xác định kinh doanh dịch vụ bưu chính là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và không phân biệt dịch vụ thư hay gói, kiện”, đại diện Sở TT&TT Hà Nội phân tích.

Khẳng định sẽ tích cực phối hợp với Vụ Bưu chính trong quá trình sửa đổi Luật Bưu chính 2010, đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ - A03 (Bộ Công an) thông tin thêm về tình trạng nhiều doanh nghiệp được cấp phép nhưng không trực tiếp đứng ra kinh doanh, mà nhượng quyền, đi thuê các cá nhân hoạt động và tiếp nhận thư, bưu gửi như 1 doanh nghiệp bưu chính, nhưng hoàn toàn bỏ qua khâu kiểm tra bưu gửi. Thực tế này, theo đại diện A03, đang là một vấn đề đặt ra với công tác quản lý, cần thiết đưa vào Luật Bưu chính sửa đổi quy định quản lý với cá nhân, doanh nghiệp tham gia thị trường theo hình thức nhượng quyền.

Kết luận hội nghị, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực bưu chính, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đề nghị các Sở TT&TT thời gian tới tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có những ý kiến đóng góp cụ thể để hỗ trợ Vụ Bưu chính trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bưu chính sửa đổi.

Sau hơn 13 năm thi hành Luật Bưu chính 2010, số doanh nghiệp đã tăng gần 18 lần, từ 40 doanh nghiệp lên 707 doanh nghiệp; số điểm phục vụ hơn 1,4 lần, từ khoảng 16.400 điểm lên trên 23.500 điểm. Quy mô sản lượng dịch vụ tăng khoảng 7,3 lần so với năm 2010; doanh thu từ dịch vụ bưu chính cũng tăng tới 14,7 lần, từ khoảng 4.000 tỷ đồng vào năm 2010 lên gần 60.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023.