Câu chuyện về người phụ nữ mang bầu quê ở Kiên Giang lấy chồng tại huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) rồi bị chồng bạo hành dã man như thời trung cổ đang khiến dư luận phẫn nộ.
Luật sư Vũ Thủy Linh - Công ty luật TAT nhắc lại tình huống của nạn nhân: “Chị T.G. bị bạo hành và sau khi trốn thoát, đã đăng thông tin lên mạng xã hội để tố cáo tội ác của người chồng. Công an huyện Kim Thành (Hải Dương) đã vào cuộc xác minh, mời chị T.G. đến trụ sở để làm việc, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo phản ánh thông qua mạng xã hội. Thế nhưng lo sợ bị chồng bạo hành tiếp, chị T.G. đã trốn thoát, về nơi mình sinh ra và ở với mẹ tại tỉnh Kiên Giang".
Từ tình huống trên, luật sư Thủy Linh cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Công an Hải Dương phải phân công phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, cán bộ điều tra tiến hành xác minh nguồn tin tội phạm do chị T.G. đăng tải trên không gian mạng.
Trong Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định thời hạn 20 ngày kể từ khi tiếp nhận nguồn tin tố giác, thực hiện hoạt động xác minh, cơ quan điều tra phải ban hành một trong ba quết định đó là Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định không khởi tố vụ án hoặc Quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin tố giác, kiến nghị khởi tố.
Nếu phức tạp về việc giải quyết, có thể được ra hạn thêm 2 lần và tổng thời gian tiến hành giải quyết nguồn tin tố giác không quá 4 tháng.
Hiện tại, chị T.G. đang ở Kiên Giang nên việc quay lại huyện Kim Thành có thể sẽ gây khó khăn về điều kiện địa lý cũng như an toàn của nạn nhân.
Do đó, Công an huyện Kim Thành căn cứ theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Tố tụng Hình sự về ủy thác cho cơ quan điều tra Công an huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, nơi chị T.G. đang sinh sống để tiến hành một số hoạt động nhằm đảm bảo thời hạn xác minh tin báo tố giác tội phạm.
Luật sư Thủy Linh nhận định, khi cơ quan điều tra vào cuộc, họ sẽ tiến hành xác minh nguồn tin, thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan để giải quyết sự việc như: Khám nghiệm hiện trường; lấy lời khai của người tố giác, người bị tố giác; giám định thương tích cho chị T.G.
Vấn đề nêu trên được quy định tại Khoản 3, Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự, bao gồm các thủ tục: Trưng cầu giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể; thu thập lời khai của các bên liên quan như người biết các tình tiết có liên quan đến sự việc, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bị tố giác, người bị hại.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng xác minh thông tin ở địa phương, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân trình bày, cung cấp các thông tin, chứng cứ liên quan đến lịch sử của hành vi bạo lực đối với nạn nhân như: Hồ sơ bệnh án hoặc sổ khám bệnh, đơn thuốc…
"Về việc người chồng hành hạ vợ trong suốt thời gian dài, căn cứ xử lý theo Khoản 1, Điều 2, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007. Trong sự việc này, như lời nạn nhân kể trên mạng xã hội, người chồng đã xâm phạm nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người vợ, nghiêm trọng hơn nữa khi người vợ đang mang thai.
Vậy nên khi điều tra, công an sẽ làm rõ diễn biến sự việc, xác định hậu quả, tổn thương cơ thể, tinh thần của chị T.G. để xem xét mức độ trách nhiệm của người chồng", luật sư Thủy Linh phân tích.
Theo luật sư, trường hợp hậu quả xảy ra với chị T.G. chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người chồng sẽ bị xem xét xử lý hành chính theo quy định tại Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP và bị xử phạt đến 20 triệu đồng, kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc xin lỗi công khai, chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho nạn nhân.
Trường hợp mức độ, hậu quả xảy ra đã đến mức nghiêm trọng, người chồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi vợ theo Điều 185 Bộ luật Hình sự, hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.