Ở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có bất kỳ quy định nào thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch hay lương "tháng 13" cho giáo viên. Tuy nhiên cuối năm, chuyện thưởng Tết vẫn luôn được giáo viên mong chờ. 

Hơn 37 năm dạy học, cũng chừng ấy năm, cảm xúc của tôi buồn vui lẫn lộn mỗi khi Tết đến xuân về. Còn nhớ khi mới ra trường (năm 1986), tôi được phân lên giảng dạy ở trường PTCS Diên Tân (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) - xã miền núi lúc bấy giờ, vô cùng vất vả.

Tết đến với chế độ tem phiếu mua được thêm ít lạng thịt, gam đường, bột ngọt là vui không sao tả hết, bởi gia đình năm ấy có được hương vị ngày Tết, đúng như câu: "Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà".

Thời gian dần trôi qua, sau nhiều lần cải cách, tăng lương đời sống giáo viên được cải thiện phần nào, nhưng nhu cầu cuộc sống cũng ngày càng tăng lên. Vì vậy tâm lý thầy cô giáo nói chung đều mong chờ khoản thưởng Tết ngoài lương vào cuối năm để con có chiếc áo mới, để thêm mừng tuổi ông bà, để đi mua sắm…. cho cái Tết thêm vui.

Không có quy định chung với thưởng Tết. Từ khi thực hiện chế độ khoán tài chính cho các trường, việc chi tiêu được hiệu trưởng lên kế hoạch theo quy chế chi tiêu nội bộ. Quy chế này được thông qua ở hội nghị viên chức, người lao động vào đầu năm học tập trung cho trả lương và các hoạt động phục vụ việc dạy - học, với tinh thần thật tiết kiệm để cuối năm có dư thưởng Tết cho thầy cô giáo. Việc thưởng Tết mỗi trường mỗi vùng miền khác nhau, tùy vào tiền "tiết kiệm chi" còn nhiều hay ít và cũng không có quy định phải bắt buộc chi. Vì vậy cuối năm trường có thưởng Tết, trường thì không là vậy.

Đồng nghiệp của tôi công tác tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Khánh Vĩnh, thuộc huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Đa số học sinh nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, đời sống còn nhiều khó khăn. Thầy kể, Tết đến, học sinh tặng thầy cô củ khoai mới lấy trên rẫy (nương) về, con gà đang tập gáy, cân thịt heo đen nuôi dưới sàn nhà... rất ấm áp tình người.

Năm dạy học đầu tiên 1986-1987, Tết đến, tôi thật bất ngờ khi lần đầu tiên trong đời đi dạy được phụ huynh tặng chai mật ong rừng cùng với lời nói chân tình của người dân ở miền sơn cước: “Gửi thầy chai mật ong tôi mới lấy hôm qua trên rẫy (nương) để thầy bồi bổ sức khỏe”. Tôi nói: “Sao chú không để dùng mà tặng”?. Phụ huynh nói: “Trên này là rừng núi rất dễ tìm tổ ong để lấy mật, không có gì làm quà gửi thầy ít mật, thầy đừng ngại”.

Tuy họ nói vậy, song ở đây người dân đời sống rất khó khăn, hàng ngày phải vào rừng để lấy củi về bán mua gạo ăn từng bữa, ruộng đồng khô cháy chỉ canh tác được một vụ tháng 10 âm lịch khi có mưa xuống. Mật ong vẫn là thực phẩm rất quý. Vậy nhưng người dân nơi đây rất giàu lòng yêu thương nhất là đối với thầy, cô giáo, bởi họ hiểu và cảm thông cho thầy cô đến chốn rừng thiêng nước độc, thâm sơn cùng cốc này để dạy cái chữ cho con em họ.

Sau thời gian 4 năm công tác (1986-1990) ở miền núi, tôi được thuyên chuyển về vùng đồng bằng có nhiều thuận lợi hơn. Thầy, cô công tác ở vùng đồng bằng may mắn hơn, cuối năm cũng thêm được ít tiền thưởng Tết. Số tiền thưởng Tết các năm cũng nhiều hơn nhưng tôi không thể quên những ngày gian khó và tấm chân tình của phụ huynh nơi mình từng công tác. 

Nhiều thầy, cô tâm sự niềm vui chính là được xã hội tôn trọng, đúng như câu: "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy". Mong rằng truyền thống tốt đẹp ấy của dân tộc không bao giờ nhạt phai. 

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)