Phát biểu kết luận hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 vào sáng 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển đô thị theo xu thế thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. 

Động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn kiện của nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng đã thể hiện sự quan tâm và có chủ trương định hướng lãnh đạo về phát triển đô thị.

Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao và xác định "lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng" là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ Chính trị lần đầu tiên đã ban hành riêng một nghị quyết để chỉ đạo cụ thể về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động về nội dung này.

Trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của mỗi vùng. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn…

Tuy nhiên Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh đó, đô thị Việt Nam cũng còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và các thách thức cần vượt qua.

Cụ thể như tình trạng quá tải hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thiếu nhà ở xã hội, tác động, rủi ro từ biến đổi khí hậu, nhất là ngập lụt, phát thải khí nhà kính, hạ tầng xã hội chưa phát triển ngang tầm kinh tế…

Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược

Để hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng cho rằng, cần có tư duy, cách tiếp cận mới; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn lấy thực tiễn làm thước đo.

Cùng với đó là triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh việc coi trọng và đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch; đa dạng hóa, kết hợp, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực…

Ảnh: Nhật Bắc

Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trước hết là nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung. Trong đó, xác định phát triển đô thị gồm 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

"Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch lúng túng, chậm chạp, không được đầu tư ngang tầm thì lãng phí nguồn lực, phát triển không bền vững, phát triển không đột phá. Công tác quy hoạch làm tốt thì mới tiết kiệm được nguồn lực, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chỉ ra và hóa giải những khó khăn, thách thức của địa phương, của vùng”, Thủ tướng phân tích.

Theo Thủ tướng, quy hoạch tổng thể nhưng thực hiện có thể phân kỳ phù hợp với nguồn lực; có thể kiên trì thực hiện trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng trăm năm… và nếu tôn trọng, làm theo quy hoạch hoàn chỉnh thì sẽ có một đô thị trật tự và phát triển.

Ngoài ra cần đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại trên cơ sở huy động mạnh mẽ các nguồn lực, có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa nguồn lực Nhà nước với các nguồn lực xã hội; đồng thời tiết kiệm, tăng thu, giảm chi, phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

“Hiện vẫn còn nhiều vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách cần xử lý nhưng với cơ chế đang có thì các địa phương vẫn có thể làm được nếu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung suy nghĩ, vận dụng tối đa các quy định hiện có trên tinh thần dám nghĩ, dám làm", Thủ tướng lưu ý.