Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thanh niên phải là lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số để Việt Nam sớm trở thành quốc gia số.
Sáng 26/3, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt và đối thoại với thanh niên với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”.
Phát biểu khai mạc chương trình đối thoại, ông Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nêu rõ, chủ đề được lựa chọn đối thoại là do trong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thay mặt Ban Tổ chức chương trình, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn mong muốn thanh niên tham gia đối thoại tập trung vào việc tìm hiểu, cũng như đề xuất, hiến kế về các vấn đề liên quan đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Ứng dụng công nghệ để người dân, doanh nghiệp đỡ tiếp xúc cán bộ, công chức
Tại hội nghị, bạn Nguyễn Thị Quỳnh Thư (công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho rằng, cải cách thủ tục hành chính luôn gắn chặt chẽ với chuyển đổi số.
“Vậy, xin Thủ tướng cho biết, ngoài yếu tố con người thì Việt Nam có giải pháp như thế nào về thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số?”, bạn Thư đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cơ sở dữ liệu rất quan trọng với chuyển đổi số, có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo.
Chính phủ đang rất tích cực thúc đẩy vấn đề trên, đã lấy năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia; đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (về dân cư, đất đai, môi trường…) và chỉ đạo việc hoàn thành cơ sở dữ liệu các bộ ngành, địa phương, đồng thời phát động phong trào xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội.
Thủ tướng cho biết, các cơ sở dữ liệu này phải kết nối với nhau; tạo thuận lợi cho các chủ thể trong việc khai thác.
Theo Thủ tướng, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Để cải cách thủ tục thì có nhiều giải pháp, nhưng cơ bản là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để người dân, doanh nghiệp đỡ phải tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ, cơ quan giải quyết thủ tục.
Đột phá của kết nối, chia sẻ dữ liệu là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Theo doanh nhân trẻ Lê Thị Hồng (Giám đốc Công ty TNHH In Nhật Hàn) vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia.
“Vậy trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để kết nối liên thông các dịch vụ từ dữ liệu này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trẻ khai thác, sử dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp?”, doanh nhân Lê Thị Hồng nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp được Thủ tướng chỉ đạo triển khai rất quyết liệt trong 3 năm qua, chứ không phải việc thời gian tới định làm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là điểm đột phá trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên trong giai đoạn vừa qua. “Nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu thời gian vừa qua, người dân nói chung và các bạn trẻ nói riêng đã được thụ hưởng rất nhiều lợi ích”, Thứ trưởng Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ TT&TT nêu ví mùa tuyển sinh vừa qua có hơn 97% trường hợp đăng ký trực tuyến thay vì trực tiếp bằng bản giấy. Hay như trước đây, có được tài khoản ngân hàng, thủ tục rất nhiều, phải ra tận nơi, có khi mất nửa buổi sáng.
“Gần đây nhất, tôi mở tài khoản ngân hàng chỉ mất 3 phút bằng điện thoại di động, không phải hiện diện”, Thứ trưởng Dũng nói và cho biết, có được kết quả như vậy là nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu và là nhờ xác thực cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TT&TT đã thiết lập và vận hành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hiện nay có hơn 200 tổ chức nhà nước và doanh nghiệp đã kết nối chia sẻ dữ liệu với nền tảng này. Trung bình, nền tảng này có 3 triệu giao dịch một ngày.
Doanh nghiệp trẻ muốn tìm hiểu về kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có thể liên hệ trực tiếp với Cục Chuyển đổi số quốc gia hoặc lên trang Thông tin điện tử của Cục Chuyển đổi số quốc gia để tìm hiểu quy định, quy trình thủ tục để thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Để kết nối, chia sẻ dữ liệu, Thứ trưởng Dũng cho biết, các doanh nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhất định ví dụ về bảo đảm an toàn an ninh mạng khi kết nối, hay bảo đảm dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng.
Trong trường hợp chưa tìm hiểu quy định, quy trình, doanh nghiệp vẫn muốn kết nối dữ liệu, vừa qua Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy dữ liệu mở. Hiện đã cung cấp dữ liệu mở trên trang dữ liệu của địa phương, trong đó hai địa phương làm đặc biệt tốt là Đà Nẵng và TP.HCM.
Các doanh nghiệp trẻ trước hết có thể lên khai thác ngay dữ liệu mở được các bộ, ngành, địa phương cung cấp mà không cần đáp ứng điều kiện gì.
Đâu là điểm cốt lõi để thanh niên thể hiện vai trò xung kích trong chuyển đổi số?
Lắng nghe câu hỏi của các bạn thanh niên và giải đáp của thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: Các bạn đã đặt nhiều câu hỏi, tôi xin hỏi lại các bạn: Thứ nhất, đâu là cốt lõi để thanh niên thể hiện vai trò xung kích trong chuyển đổi số?
“Hai là các bạn hiến kế gì để Chính phủ đẩy mạnh xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số? Ba là các bạn có đóng góp gì để thực hiện mục tiêu Chính phủ số, xã hội số, công dân số?
Trả lời câu hỏi của Thủ tướng, bạn Nguyễn Thị Trang, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cho biết, quá trình chuyển đổi số vô cùng quan trọng. Hiện nay, công tác này đã đạt được những thành quả to lớn. Tuy nhiên, cần tìm ra rào cản, thách thức đang đối mặt trong lĩnh vực này.
“Giá trị cốt lõi cũng là rào cản và thách thức đó là văn hóa số”, bạn Nguyễn Thị Trang nói và xin được hiến kế nghiên cứu, bổ sung nội hàm văn hóa số vào Quyết định 1847 của Chính phủ vì hiện tại quyết định này mới quy định về môi trường làm việc truyền thống cho cán bộ, công chức và viên chức.
“Với vai trò là đoàn viên, với sức trẻ, tôi ý thức được rằng, câu hỏi của Thủ tướng còn là lời động viên, khích lệ, cũng là lời nhắn nhủ với lớp trẻ, cần nhận thức rõ giá trị cốt lõi của chuyển đổi số, cần hiến kế nhiều hơn nữa để chúng ta thực hiện chuyển đổi số thành công”, bạn Nguyễn Thị Trang chia sẻ.
Còn theo bạn Trịnh Văn Chiến, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nòng cốt của chuyển đổi số chính là tiện ích mà chuyển đổi số mang lại cho người dân, doanh nghiệp, từ đó tạo niềm tin để người dân, doanh nghiệp tin dùng.
“Nhưng quan trọng nhất là phản hồi của người dùng về cơ sở dữ liệu của chuyển đổi số thế nào? Nhà nước nên tạo ra những kênh để người dân có thể phản hồi những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai chuyển đổi số, đề từ đó người triển khai có thể hoàn thiện hơn trong tương lai”, bạn Trịnh Văn Chiến nói.
Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cuộc gặp được tổ chức nhằm "chia sẻ, tâm sự, với niềm tự hào về đất nước, dân tộc Việt Nam, tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, tự hào về thanh niên Việt Nam, chúng ta hiểu nhau hơn, hiểu trách nhiệm của mình hơn, cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho nhân dân, cho đất nước”.
Đánh giá cao chủ đề cuộc đối thoại, Thủ tướng hoan nghênh những chia sẻ, câu hỏi, đề xuất và kiến nghị rất phong phú, đa dạng, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, với năng lượng, sức trẻ, dấn thân, dám nghĩ, dám làm của thanh niên Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực, nhất là nhiệm vụ xung kích trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng, có 5 yêu cầu đặt ra về chuyển đổi số đối với nền kinh tế: (i) Xây dựng chiến lược bài bản, tổng thể với lộ trình phù hợp; (ii) Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; (iii) Đổi mới phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội theo hướng hiện đại, số hóa; (iv) Phát huy tính chủ động, sáng tạo, đột phá của mọi chủ thể, nhất là thế hệ trẻ; (v) Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, thanh niên phải là lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành quốc gia số.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng đề nghị Đoàn Thanh niên cùng toàn thể thanh niên Việt Nam phát huy tinh thần "Năm xung kích" trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia:
(1) Xung kích trong nâng cao nhận thức số
(2) Xung kích xây dựng, hoàn thiện thể chế số
(3) Xung kích phát triển hạ tầng số
(4) Xung kích đào tạo nguồn nhân lực số
(5) Xung kích trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp và văn hóa số
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị thanh niên Việt Nam phải có "Sáu khát vọng":
(1) Khát vọng đóng góp, cống hiến
(2) Khát vọng học tập, rèn luyện
(3) Khát vọng đổi mới, sáng tạo
(4) Khát vọng lập thân, lập nghiệp
(5) Khát vọng hội nhập, phát triển
(6) Khát vọng đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, sức mạnh toàn dân tộc