Sáng 21/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn lại đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên toàn thể khai mạc Hội nghị Ngoại giao 32 là "công tác đối ngoại trong 3 năm qua đạt nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước trong những năm qua”.

1hai 4959.jpg
Thủ tướng tham quan một số gian hàng của doanh nghiệp trong khuôn khổ hội nghị.

Trong thành tựu chung đó, có đóng góp rất quan trọng của ngoại giao kinh tế. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. Ngoại giao kinh tế phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động nguồn lực bên ngoài, thực hiện tốt chủ trương “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”.

Từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội 13 và những năm tiếp theo, tính chất bất ổn và bất định của tình hình quốc tế sẽ còn tiếp diễn, có thể xuất hiện những nhân tố mới. Ở trong nước, kinh tế xã hội phục hồi tích cực và phát triển, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng đất nước đang đứng trước vận hội, thời cơ chiến lược để phát triển nhanh, bền vững. Các xu hướng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mở ra cơ hội lớn để nước ta có thể đón đầu, phát triển vượt lên và tiến cùng thời đại.

bui thanh son 5265.jpg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Yêu cầu đặt ra đối với công tác ngoại giao kinh tế là làm sao phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước, tranh thủ tốt điều kiện quốc tế thuận lợi và xu thế phát triển của thế giới, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh dân tộc kết hợp hiệu quả với nguồn lực bên ngoài, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

'6 cái được' của ngoại giao kinh tế

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng kết quả của ngoại giao kinh tế từ Đại hội 13 có "6 cái được".

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về ngoại giao kinh tế; nắm chắc tình hình thế giới, khu vực để tham mưu Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách ngoại giao kinh tế. 

Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế là một trụ cột quan trọng trong triển khai các hoạt động ngoại giao. Khi tình hình thay đổi thì chính sách, tổ chức, tư duy cũng phải thay đổi, Thủ tướng đánh giá cao ngành Ngoại giao đã nắm tốt tình hình kinh tế các nước, khu vực, thế giới, từ đó có những đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy mạnh mẽ giữa lấy nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước.

Theo Thủ tướng nguồn lực bên trong gồm con người, thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, sức mạnh đại đoàn kết, còn nguồn lực bên ngoài là thu hút về nguồn vốn, công nghệ, cách quản trị hiện đại, nhân lực.... Từ đây Thủ tướng cho rằng cán bộ ngoại giao, đối ngoại giữ vai trò nòng cốt trong thu hút nguồn lực bên ngoài.

pham minh chinh 5606.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thứ ba, góp phần giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như: Đại dịch, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng...

Thứ tư, góp phần quan trọng tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác phát triển để huy động nguồn lực xây dựng đất nước.

Thủ tướng điểm lại một số chuyến thăm của Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình... đã tạo nên độ tin cậy chính trị, tình cảm sâu sắc hơn, phát triển kinh tế hiệu quả hơn, giao lưu nhân dân được mở rộng, hợp tác nhiều lĩnh vực toàn diện hơn.

Thứ năm, thúc đẩy ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc, kết hợp giữa văn hóa với phát triển nền kinh tế. 

Với việc Việt Nam được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới, nhiều di sản được thế giới công nhận, Thủ tướng cho rằng đã tạo ra uy tín của đất nước. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của ngoại giao văn hóa giúp thúc đẩy các trụ cột ngoại giao khác trong đó có ngoại giao kinh tế.

Thứ sáu, thúc đẩy ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người dân với người dân, giữa các địa phương, "lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ". 

Phân tích yếu tố này, Thủ tướng cho biết, Việt Nam hiện nay đã mở visa điện tử cho tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Về hợp tác giữa các địa phương, Thủ tướng dẫn chứng sự hợp tác giữa các tỉnh, thành Việt Nam và Nhật Bản khi chỉ trong năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước đã tổ chức hơn 500 sự kiện.

1hai 5140.jpg
Thủ tướng tham quan triển lãm đối ngoại, ngoại giao Việt Nam 3 năm qua.

Thủ tướng chia sẻ, khi mới Đổi mới, quy mô nền kinh tế chỉ 4 tỷ USD nhưng đến nay nước ta đã đứng thứ 40 (trên 400 tỷ USD), hạ tầng xã hội phát triển, "Việt Nam là hình mẫu của hàn gắn và khắc phục hậu quả chiến tranh, vươn lên từ khó khăn". Thủ tướng dẫn lại nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn. Cho nên vừa phải độc lập, tự chủ nhưng vẫn phải tích cực, chủ động hội nhập và không thể hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, an sinh của người dân, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng chia sẻ, dự các sự kiện đa phương, lãnh đạo nhiều nước đều bày tỏ ấn tượng về Việt Nam khi có đường lối ngoại giao khéo léo, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn vẫn kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của ngành Ngoại giao vào thành tích chung của đất nước trong 3 năm qua, tuy nhiên cũng không được thỏa mãn với những gì đã đạt được.

Thủ tướng chỉ ra các điểm còn hạn chế trong ngoại giao kinh tế như: Công tác thu thập tình hình có nơi còn chưa kịp thời, phản ứng chính sách còn bị động, thực hiện ngoại giao kinh tế vẫn chưa thành hệ thống, còn manh mún, chia cắt, chưa có trọng tâm, trọng điểm, "sự đột phá về ngoại giao kinh tế là có nhưng chưa cao, ký kết nhiều nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn khiêm tốn", thủ tục còn rườm rà...

Giao nhiệm vụ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần khi triển khai ngoại giao kinh tế phải "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, hài hoà về lợi ích, rủi ro thì chia sẻ". Tham mưu chính sách phải nhanh, kịp thời, chính xác hơn bởi tình hình thế giới biến chuyển rất nhanh.

"Các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, hiệu quả nhưng phải chân thành, tôn trọng, tin cậy thể hiện tinh thần ngoại giao cây tre", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu, cần bám sát yêu cầu trong nước, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. "Phải làm những gì người ta cần, không làm những gì ta có", Thủ tướng nói và diễn giải rằng có thể thu thập được rất nhiều thông tin nhưng phải xác định được thông tin mà người dân, doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước cần là cái gì.

Ngoài ra, phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết về luật pháp, "có tâm, có tầm".