Tôm là một trong những thực phẩm phổ biến, đặc biệt ở các vùng biển. Các món chế biến từ tôm đa dạng, có hương vị thơm ngon. Bạn cũng nên nhận thức về tác động của tôm đối với sức khỏe của cơ thể.
Tăng lượng protein
Tôm cung cấp một lượng protein lớn vào khoảng 19g protein trong 85g tôm; tương đương khoảng 75% tổng lượng calo là protein, phù hợp với chế độ ăn kiêng nhiều protein nạc.
Protein được biết đến với đóng góp duy trì cơ và cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và sửa chữa các tế bào và mô của cơ thể, điều chỉnh các enzym và hormone, duy trì sự cân bằng chất dịch trong cơ thể.
Cải thiện lượng đồng
Một khoáng chất thiết yếu không được đề cập nhiều nhưng rất quan trọng trong chế độ ăn uống là đồng. Đồng tham gia vào quá trình chuyển hóa sắt và hình thành các mô liên kết, chất dẫn truyền thần kinh.
Theo Eatthis, nam giới trưởng thành và phụ nữ trưởng thành không mang thai / đang cho con bú nên tiêu thụ 900mcg đồng mỗi ngày. Tôm chứa khoảng 300mcg trên mỗi khẩu phần 85g.
Bạn có thể hấp thụ lượng đồng lớn hơn bằng cách thưởng thức tôm kết hợp với khoai tây hoặc hạt điều.
Tăng cholesterol
Lượng cholesterol dư thừa trong chế độ ăn uống có thể góp phần gây ra bệnh tim và nguy cơ đột quỵ. Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đề nghị duy trì lượng tiêu thụ dưới 300mg mỗi ngày. Một khẩu phần tôm 85g chứa khoảng 140mg cholesterol (và 0g chất béo bão hòa). Khi thưởng thức tôm, hãy giữ chất béo bão hòa ở mức tối thiểu bằng cách tránh nước sốt bơ hoặc tẩm bột chiên.
Hấp thụ nhiều muối
Hầu hết các loại hải sản bán sẵn trên thị trường được xử lý bảo quản bằng các thành phần có nhiều natri, bao gồm cả tôm không tẩm bột hoặc tẩm gia vị. Muối có tác dụng bảo vệ chất lượng nhưng ảnh hưởng đến thành phần dinh dưỡng của thực phẩm.
Bởi vậy, hãy nhớ xem bảng thông tin trên bao bì để biết về hàm lượng natri. Mức độ chấp nhận được là dưới 140mg natri cho một khẩu phần 85g tôm.
Không chứa nhiều chất béo omega-3 như bạn nghĩ
Hải sản thường được coi là cách tốt để hấp thụ axit béo không bão hòa omega-3 bên cạnh quả óc chó, hạt chia và hạt lanh. Nhưng thật không may, tôm lại không có trong danh sách.
Hàm lượng chất béo omega-3 cao nhất được thấy trong các loại cá như cá trích, cá mòi và cá hồi Đại Tây Dương, cung cấp từ 1,19 đến 1,83g omega-3 cho mỗi khẩu phần 85g nấu chín. Con số này ở tôm là 0,24g.
Khuyến nghị tiêu thụ đối với chất béo omega-3 ALA là 1,6g mỗi ngày đối với nam giới trưởng thành và 1,1g với phụ nữ trưởng thành không mang thai hoặc cho con bú.
Bởi vậy, nếu bạn chọn ăn hải sản vì lợi ích từ omega-3, bạn nên tập trung vào các loại cá béo nhiều hơn tôm.