Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, an tâm có “của để dành” về già

Ông Trần Hoàng Thành, (61 tuổi) ở phố Kiên Thị Nhẫn, phường 7, TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, chia sẻ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 7/2004, đến năm 2019 thì nghỉ công tác tại Mặt trận Tổ quốc phường. Tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông Thành là 14 năm 8 tháng.

Lúc mới nghỉ, ông đã có ý định sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần với tính toán là sẽ cầm về khoảng 90 triệu đồng. Tuy nhiên, cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh đã tư vấn cho ông không nên rút bảo hiểm xã hội một lần, mà chuyển sang đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu.

Ông Trần Hoàng Thành vui mừng nhận được tháng lương hưu đầu tiên 

Được cán bộ BHXH tỉnh Trà Vinh tư vấn chi tiết về từng mức đóng bảo hiểm xã hội một lần, số tiền sẽ đóng, mức hưởng ông Thành đã xác định rõ về tính thiệt hơn giữa đóng tiếp và rút bảo hiểm xã hội một lần. Thêm nữa ông được vợ động viên, chia sẻ, nên quyết định đóng tiếp ở mức 4 triệu đồng. “Sau 1 năm đóng theo quý, vào tháng 10/2021, tôi quyết định đóng một lần 37 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu, với số tiền hơn 34 triệu đồng. Lúc đó tôi bán 5 chỉ vàng và gom một phần tiền tiết kiệm để đóng đủ số tiền này”- ông Thành cho biết. Từ tháng 10/2021, ông đã nhận được lương hưu tháng đầu tiên. Hiện, mức lương hưu vừa được điều chỉnh ông Thành nhận là hơn 2,1 triệu đồng/tháng. Nhờ có khoản lương hưu hàng tháng ông Thành cảm thấy yên tâm và rất thoải mái vì có một khoản thu nhập ổn định khi về già, đặc biệt là cả thẻ bảo hiểm y tế để đi khám chữa bệnh

Đưa bảo hiểm xã hội tự nguyện đến từng người dân 

Bà Lê Thị Thu Hồng - Trưởng ban Gia đình Xã hội - Kinh tế, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh cho biết: “Qua 2 năm phát động đến nay Hội đã thành lập trên 60 tổ phụ nữ tiết kiệm nuôi heo đất tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với hơn 800 thành viên, 70 tổ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế với gần 900 thành viên. Công tác tuyên truyền vận động đến từng chi, tổ Hội triển khai xây dựng mô hình. Tiết kiệm nuôi heo đất mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đang trở thành phong trào sâu rộng được cán bộ, hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng”.

Nhằm đưa chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với người dân, thực hiện Chương trình về phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh giai đoạn 2021-2025, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh cũng đã tổ chức 303 hội nghị tuyên truyền, vận động được 4.041 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 22.710 người tham gia bảo hiểm hộ gia đình. Ngoài ra, các cấp Hội đã tổ chức trên 1.112 cuộc tuyên truyền thu hút 27.800 cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân tham gia.

Tổ Hội phụ nữ xây dựng mô hình Tiết kiệm nuôi heo đất mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tại Trà Vinh

Đặc biệt, 8 tháng đầu năm 2022 với sự vận dụng linh hoạt sáng tạo của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tiểu Cần đã chỉ đạo thực hiện “1+1” vận động hội viên phụ nữ và hộ dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các xã, thị trấn với ý nghĩa là một chi hội trưởng, chi hội phó tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho bản thân và vận động thêm một người thân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đến thời điểm này đã triển khai được 8 cuộc với 120 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và mô hình này hiện nay đang hoạt động hiệu quả, đến nay đã có 120 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ông Bùi Quang Huy - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh, do quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, thì từ ngày 01/01/2022, chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng đã khiến mức đóng tối thiểu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng hơn 2 lần so với trước đây.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh, có đến 89% số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh chọn mức thu nhập tháng để đóng là dưới 1,5 triệu đồng, nên việc nâng mức chuẩn nghèo đã ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Từ thực tế thực hiện chính sách, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh thêm, hiện khó khăn nhất vẫn là điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn hạn chế. Vì thế, để người dân tham gia, Nhà nước có chính sách hỗ trợ thêm phần đóng và giảm thời gian đóng theo như dự thảo mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi.

Ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh cũng đã nhận thức rõ, công tác tuyên truyền chính sách cần thúc đẩy và đi trước một bước để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của lợi ích, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Về cơ bản, sau nhiều đợt tuyên truyền, từ ra quân rầm rộ đến tuyên truyền 1+1, người dân đã nâng cao nhận thức và biết đến bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Thúy Ngà