Gia đình bà Vàng Thị Khư (ở thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai) đã trồng cây Actiso theo hướng tiêu chuẩn GACP-WHO “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”. Toàn bộ khâu trồng tới thu hoạch đều được hướng dẫn đảm bảo an toàn.
Người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng và chăm sóc. Nhờ đó, cây Actiso đã mang về cho gia đình bà Khư hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trước đây, diện tích đất này gia đình bà Khư trồng ngô chỉ thu được hơn chục triệu đồng.
Ông Mã A Cau (ở phường Hàm Rồng, thị trấn Sapa) cũng phát triển kinh tế hộ gia đình nhờ trồng cây Actiso. Theo ông Cau, mỗi năm gia đình ông trừ hết chi phí sản xuất cũng thu về hàng trăm triệu đồng.
Trước đây, ông Cau chưa bao giờ nghĩ tới ngày có thể thu về số tiền lớn như vậy từ trồng trọt. Ông khẳng định, nhờ trồng cây dược liệu, kinh tế của bà con dân tộc Dao vùng Sapa đã khấm khá lên.
Ngoài Sapa, nhiều địa phương khác trong tỉnh Lào Cai cũng mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. Ví dụ như tại huyện Bắc Hà, người dân đang mở rộng trồng cây cát cánh.
Mô hình kinh tế nông nghiệp của gia đình anh Tráng Seo Khúa (ở xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà) đã trở thành điển hình của địa phương.
Anh Khúa trồng hơn 2.000 cây lê tai nung và xen canh với cây cát cánh theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Theo anh Khúa, trồng cây cát cánh có lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với cây nông nghiệp truyền thống.
Hiện tại, thôn Hoàng Hạ nơi anh Khúa sinh sống có 1/4 hộ gia đình chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng lê tai nung và cây cát cánh làm dược liệu. Nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm 10%/năm. Người dân đã thay đổi nhận thức về kinh tế nông nghiệp, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm nghèo bằng chính nội lực của địa phương.
Gia đình anh Giàng Seo Tráng (người Mông ở thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà) mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ bán củ cát cánh. So với trồng ngô, lúa thì cây cát cánh mang lại thu nhập gấp 3-4 lần.
Ngoài bán củ, hoa cát cánh nở tím triền đồi còn thu hút du lịch nông nghiệp. Du khách có thể đến với Bắc Hà ngắm các mùa hoa mận, hoa lê vào dịp xuân hè, hoa cát cánh vào mùa thu từ tháng 6- 9 dương lịch.
Lào Cai hiện có khoảng 70 loại cây dược liệu quý cần được bảo tồn và hơn 850 loại cây dược liệu làm thuốc. Ngoài thu hái, khai thác dược liệu làm thuốc, việc trồng các loại cây này còn hỗ trợ phát triển du lịch trải nghiệm.
Trong số 3.550ha trồng cây dược liệu, có 210ha với 13 loại cây được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP. Đặc biệt, toàn tỉnh có 25 sản phẩm đạt OCOP.
Tại hội thảo thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai năm 2023, ông Hoàng Quốc Khánh – Phó Chủ tịch UBND Lào Cai cho biết, đến nay tỉnh đã quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Lào Cai đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu. Đến năm 2025 diện tích dược liệu đạt 4.000ha, sản lượng đạt 25.000 tấn, giá trị đạt 700 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 5.000ha, sản lượng đạt 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỷ đồng.
Để phát triển cây dược liệu bền vững, các địa phương cần tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch sinh thái, kêu gọi, thu hút nhà đầu tư chiến lược để xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến sâu dược liệu tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung như Bát Xát, Bắc Hà, Sapa… giúp bà con dân tộc giảm nghèo bền vững.