Ủy ban châu Âu (EC) hôm 20/7 đã công bố các kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm ngay lập tức nhu cầu khí đốt ở EU, trong bối cảnh châu Âu đặt mục tiêu tránh tình trạng thiếu nhiên liệu vào mùa đông, giữa những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Các đường ống tại trạm nhận khí đốt từ Hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1 của Nga ở Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn DW dẫn lời Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cáo buộc Moscow đang sử dụng năng lượng làm vũ khí. Quan chức này nói, việc Nga ngăn chặn hoàn toàn dòng chảy khí đốt tự nhiên đến châu Âu là "kịch bản có thể xảy ra". Bà nhấn mạnh, EU "đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và hy vọng về điều tốt đẹp nhất".

EC đề xuất mục tiêu tự nguyện cho tất cả các nước thành viên EU là cắt giảm 15% khí đốt sử dụng từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, so với mức tiêu thụ trung bình của các nước này trong cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2021. Đề xuất sẽ cho phép Brussels đưa mục tiêu này trở thành bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung, nếu EU tuyên bố về nguy cơ thiếu khí đốt nghiêm trọng. 

Theo Reuters, động thái cần sự ủng hộ của các quốc gia trong liên minh và sẽ được thảo luận trong ngày 22/7 để các bộ trưởng có thể thông qua vào ngày 26/7.

Hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1, tuyến đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất từ Nga sang châu Âu, chiếm tới hơn 1/3 tổng lượng khí đốt xuất khẩu hiện nay của xứ sở bạch dương cho EU, dự kiến sẽ khôi phục hoạt động trong ngày hôm nay (21/7) sau 10 ngày bảo trì. Theo Reuters, nhà điều hành mạng lưới khí đốt Gascade của Đức hôm 20/7 bày tỏ hy vọng đường ống sẽ nối lại hoạt động ở mức trước bảo trì, dựa trên các yêu cầu hiện tại về khí đốt. 

Thực tế, nguồn cung qua tuyến đường ống nói trên đã bị cắt giảm ngay cả trước khi tạm ngưng để bảo dưỡng, do tranh cãi về việc phương Tây áp các lệnh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine. Lượng khí đốt cung cấp qua các hệ thống đường ống khác, chẳng hạn như Ukraine, cũng giảm mạnh kể từ khi chiến sự bùng phát hồi cuối tháng 2.

Sự gián đoạn đã cản trở nỗ lực của châu Âu trong việc nạp lại kho khí đốt trước mùa đông, làm tăng nguy cơ thiếu nhiên liệu và các tác động tiêu cực khác đối với tăng trưởng kinh tế mong manh hậu Covid-19. Các quốc gia EU đang cố gắng đảm bảo sẽ lấp đầy 80% công suất của các cơ sở dự trữ nhiên liệu của họ vào ngày 1/11, từ mức khoảng 65% hiện nay.

Tuấn Anh

Cơn ác mộng năng lượng tồi tệ nhất của châu ÂuKhi việc cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của châu Âu, châu lục đang phải vật lộn đối phó với một trong các cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất lịch sử và tình trạng vẫn có thể tồi tệ hơn.