Các khách mời tham gia tọa đàm, từ trái qua: Bà Trần Thị Thu Trang, Ông Phạm Tuấn Anh, PGS.TS Trần Đình Thiên, Bà Đỗ Thị Thúy Hương và MC. Ảnh: Báo Công Thương

Ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp– Bộ Công Thương, cho biết giai đoạn 2011-2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: Khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn yếu kém và khó khăn.

Ông Thiên nói: "Những chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu đều được dẫn dắt bằng những tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nào đi sau muốn nhập cuộc phải tham gia vào chuỗi này. Cho nên toàn cầu hóa là liên kết, là hợp tác nhưng đồng thời cũng có sự cạnh tranh rất khốc liệt để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, công tác tổ chức của các doanh nghiệp khá rời rạc, việc chúng ta bước vào chuỗi cũng hết sức khó khăn. Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào có khả năng dẫn dắt chuỗi."

ảnh: Nhật Sinh

Muốn tham gia chuỗi, thứ nhất là phải tạo và xây dựng phát triển chuỗi của người Việt do doanh nghiệp Việt dẫn đầu, TS Thiên chia sẻ. 

Thứ hai, trong trường hợp chưa có được điều đó thì phải chú ý làm sao các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do các tập đoàn đa quốc gia họ dẫn dắt.

Tình huống tham gia vào chuỗi của các tập đoàn đa quốc gia dẫn dắt khá khó khăn vì họ có chuỗi cố định, nhiều doanh nghiệp đã đi cùng với họ nên khi họ đến một quốc gia khác nếu doanh nghiệp ở nước sở tại không đáp ứng được yêu cầu họ sẽ có lý do để đưa doanh nghiệp của họ vào.

Như vậy, phần sân chơi dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, lợi ích dành cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị mất đi, nếu không có một chiến lược thì Việt Nam ngày càng ở thế bất lợi, việc gia tăng sản lượng công nghiệp không hoàn toàn tương ứng với năng lực của sản xuất công Việt Nam theo đúng nghĩa gốc.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết: "Hiện nay, triển vọng cho công nghiệp chế, biến chế tạo là rất lớn, cụ thể chúng ta thấy, do vị trí lợi thế, chính trị ổn định, kiểm soát dịch bệnh… Chính phủ cố gắng tạo lợi thế cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo có sự đóng góp còn khiêm tốn, ngoài lý do xuất phát điểm thì phải kể tới đặc thù của ngành công nghiệp này là ngành yêu cầu tập trung vốn, công nghệ. Đây lại là hai điểm yếu của doanh nghiệp chúng ta, do doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn lực. Vì thế, năng lực phát triển và đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu là hạn chế.

Vì vậy, để nâng cao được giá trị gia tăng trong sản xuất của doanh nghiệp Việt khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Bà Trần Thị Thu Trang – Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel đưa ra 3 vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất chúng ta phải hiểu là các doanh nghiệp tập đoàn nước ngoài tham gia là các doanh nghiệp đầu chuỗi, theo đó họ sẽ có sự ưu tiên cho các doanh nghiệp của nước họ và đây là điều tất nhiên chúng ta không thể chen chân vào.

Tuy nhiên họ vẫn thích các doanh nghiệp tại địa phương mà họ đến đầu tư vì có nhiều lợi thế, ít rủi ro, nhân công rẻ, do đó vẫn có cơ hội nào đó cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Và câu hỏi đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp trong nước chen chân được với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ hai là cạnh tranh về giá vẫn là thách thức, đây là cạnh tranh sòng phẳng toàn cầu. Cạnh tranh về giá có vấn đề, sau đó là tài chính, như các nước vay ưu đãi Chính phủ 0,5-1%, vay âm, còn Việt Nam vay đến hơn 6%.

Thứ ba là vấn đề nguyên vật liệu quy mô do Việt Nam sản xuất lại không có, do đó việc nhập khẩu làm cho giá trị gia tăng cao cùng với vấn đề tài chính cũng có cạnh tranh rất khủng khiếp…

Theo đó, muốn nâng cao vị thế cạnh tranh các doanh nghiệp Việt Nam phải học tập liên tập và luôn luôn phải có chiến lược tầm nhìn đi trước với sự mong đợi của khách hàng.

Mặc dù nhìn rõ được tầm quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng thực tế hiện nay Việt Nam mới có 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia. Dẫn đến sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI còn lỏng lẻo.

Về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng sẽ cần tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước thông qua chính sách hiệu quả. Sắp tới Nghị quyết 115 về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ là chính sách được nhiều doanh nghiệp trông đợi nhất, liên quan chính sách cấp bù lãi suất.

"Nghị quyết có rất nhiều điểm nhấn nhưng tôi chỉ muốn nói một điểm nhấn hiện nay mà tất cả các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều rất quan tâm. Đó là việc hỗ trợ bằng tín dụng. Trong Nghị quyết đã đề ra, là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm cơ khí trọng điểm thì được hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất. Dự kiến tối đa, mức bù là đến 5%.

Văn Quý (ghi)