- Vô tình đọc được một bài viết mà tôi cảm thấy nặng lòng, mặc dù trình độ dân trí thật sự chưa cao nhưng cũng xin đừng viết những bài viết như thế.
Xin không lạm bàn về nội dung sâu xa chi tiết của bài viết, không bàn về kết quả đúng sai của đại biểu (ĐB) trong những vấn đề tranh luận, mà chỉ xin lạm bàn về cảm xúc của một công dân khi đọc được bài viết của ông Hoàng Hữu Phước.
Thứ nhất ĐB phản đối hợp pháp hoá mại dâm, tôi cũng không bàn đúng sai về chuyện hợp pháp hay không hợp pháp nhưng cách ĐB sử dụng từ ngữ “đĩ” này "đĩ" nọ tôi cảm thấy ĐB không xem họ là một con người, và cách ĐB sử dụng từ ngữ lại càng thô tục hơn khi đem từ "đĩ" áp dụng vào vô số trường hợp, vô số lĩnh vực từ kinh tế, văn hoá cho đến công nghiệp….thiết nghĩ một ĐB quốc hội thì không nên thô tục như thế.
Đại biểu QH Hoàng Hữu Phước |
Phật nói khúc gỗ mục không nên vứt đi vì khi đẽo thành tượng thì vô số người trân trọng thành tâm khấn vái, nói như thế để hiểu những con người làm nghề bán thân nuôi miệng kia đến một lúc nào đó khi biết tự sửa mình còn làm được nhiều việc tốt ắt sẽ có người trân trọng yêu mến, không hiểu ĐB có hiểu câu mà dân chợ búa hay nói “Thà lấy Đĩ về làm vợ, chứ không lấy vợ về làm Đĩ” không? tôi nghĩ với suy nghĩ gay gắt hẹp hòi, thiếu lòng nhân của ĐB thì chắc không thể nào ĐB chấp nhận lấy… về làm vợ được bởi vậy nếu xã hội này mà ai cũng có suy nghĩ như ĐB thì chắc người ta chỉ có con đường hành nghề mại dâm suốt đời mà không có con đường thoát….
Thứ 2 xin không lạm bàn nhiều về vấn đề có nên áp dụng luật biểu tình không, tôi chỉ nhớ một câu ĐB nói, dân trí người Việt Nam còn kém không nên áp dụng luật biểu tình học đòi theo người ta, ĐB chê dân trí Việt Nam kém, ĐB nhớ những lời giáo huấn về đạo làm người của đức Khổng Tử mà ĐB không nhớ rằng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, dân nhân ta đã tổ chức biết bao nhiêu cuộc biểu tình chống quân xâm lược để khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, không hiểu rằng lúc đó trình độ dân trí đã bằng bây giờ chưa?
Hay là còn cao hơn bây giờ khi phần lớn người dân chỉ biết điểm chỉ để ký tên? Nói thế để ĐB hiểu rằng biểu tình không phụ thuộc vào trình độ dân trí cao hay thấp, mà biểu tình xuất phất từ nhiều nguyện vọng của nhân dân, của mọi tầng lớp để đòi những quyền về tự do, tôn giáo hay chính trị….
Ở đời còn có nhiều luật chạy xe có luật giao thông, buôn bán có luật buôn bán, nhà nước không ra thì người dân tự ra luật ngầm hiểu bằng miệng, ai làm sai tất bị đào thải….tất cả các việc làm mà người dân muốn hay thực hiện theo số đông đều phải có luật để đưa vào lề lối bởi nếu không có luật thì dễ loạn, quốc có quốc pháp nhà có gia uy, xin ĐB xem xét.
Thứ Ba ĐB chỉ trích gay gắt văn hoá từ chức, vấn đề này ĐB nhắc nhiều đến Đoái Công chuộc tội, tác giả nêu bật công nhiều hơn tội nên có thể miễn trừ thoải mái, ĐB nói vấn đề này làm tôi nhớ đến việc học tập của các em hiện nay. Các em học nhiều môn Toán, Lý , Hoá, Văn , Sử, Địa vv…. Nếu các em học tất cả các môn đều giỏi nhưng chỉ một môn bị dưới trung bình thì các em không thể nào là học sinh giỏi được, mà đã không giỏi thì khó làm công tác đứng đầu lớp học, giáo dục đã như thế, huống hồ là những vấn đề lớn về kinh tế, chính trị, xã hội…sai một ly là đi một dặm để lại hậu quả vô cùng to lớn cho nhân dân, cho đất nước. Vậy mà ĐB nói sai cái này có thể lấy cái kia bù đắp lại…tôi không hiểu là sẽ bù đắp trong bao lâu, bao năm hay sẽ tới đời con đời cháu.
Người Á Châu hay nói nhiều về người quân tử, các dũng tướng đánh thua trận liền về tâu vua xin chịu tội, nhẹ là từ chức, nặng là chém đầu, tiểu nhân thì không có dũng khí ấy xin Vua tha tội chết hoặc thậm chí quay đầu theo giặc, văn hoá từ chức có lẽ đã tồn tại từ lâu chứ không phải tới bây giờ, chỉ khác nhau ở chỗ bây giờ người ta chỉ xin từ chức chứ không ai xin chết cả…
Vậy mà bây giờ tôi chỉ thấy Châu Á ngoài một số ít các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc ra thì đại đa số các nước phương Tây làm được điều này, chắc có lẽ Châu Á bây giờ tiểu nhân nhiều quá không có quân tử chăng…cũng xin đừng biện hộ rằng họ dân trí cao, bởi vì theo tôi biết ở Việt Nam Giáo sư, Tiến sĩ rất nhiều thậm chí còn nhất Đông Nam Á….dẫu biết rằng con người không ai là toàn diện cả nhưng nếu các quan chức, cấp lãnh đạo được nhân dân tin tưởng, yêu quý, xứng đáng là minh quân thì dù họ có muốn từ chức đi chăng nữa nhân dân cũng không bao giờ cho họ từ chức đâu ĐB ạ.
Tôi chỉ là một người trẻ thuộc thế hệ 8x vô tình đọc được bài viết của ĐB, có thể kiến thức còn nông cạn hẹp hòi, chỉ xin nêu lên một vài ý kiến cá nhân để bạn đọc cùng ĐB xem xét, đàm luận. Chúc ĐB luôn làm tốt nhiệm vụ và niềm tin của nhân dân giao phó.
Tạ Lương (An Khê, Gia Lai)