- Có thể không có một hình thức kỷ luật hay xử lý nào đối với đại biểu Hoàng Hữu Phước. Tuy nhiên, áp lực dư luận trong mấy ngày qua cũng là một “hình phạt” rất nặng nề với vị đại biểu này.
Mấy ngày qua, câu chuyện ứng xử của đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước đã làm nóng dự luận, gây áp lực rất lớn cho vị đại biểu này. Cuối cùng đại biểu Phước cũng đã có lời xin lỗi trực tiếp và gián tiếp đến người được cho là nạn nhân bởi những phát ngôn “chưa chuẩn” của mình. Qua đây, cũng rất nhiều ý kiến cho rằng hành vi của đại biểu Hoàng Hữu Phước có dấu hiệu hình sự, tức có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 121 Bộ luật Hình sự về Tội làm nhục người khác. Vậy như thế nào được xem là làm nhục người khác và khi nào sẽ bị truy cứu về hành vi này?
Về mặt khách quan, hành vi của tội phạm là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc làm mất uy tín của người đó đối với xã hội, cơ quan hoặc gia đình của người đó. Hành vi này được thực hiện bằng lời nói, viết, vẽ hay những hành động khác …Tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này cần đánh giá mức độ nghiêm trọng của nó, nếu không đến mức nghiêm trọng thì không truy cứu. Mức nghiêm trọng được đánh giá dựa vào các yếu tố như dư luận xã hội không tốt về hành vi đó, vị trí xã hội của người bị hại, thời gian thực hiện hành vi, thái độ của người thực hiện hành vi …
Trong vụ việc này, vị trí và vai trò xã hội của người bị hại (đại biểu Dương Trung Quốc) và thái độ, nhận thức của người có hành vi (đại biểu Hoàng Hữu Phước) là vấn đề cần được xem xét và đánh giá một cách thận trọng nhất. Tiếp đến là sự bất đồng về quan điểm, chính kiến giữa hai đại biểu này xảy ra trong một thời gian dài cũng là vấn đề quan trọng được xem xét kế tiếp.
Có thể không có một hình thức kỷ luật hay xử lý nào đối với đại biểu Hoàng Hữu Phước. Tuy nhiên, áp lực dư luận trong mấy ngày qua cũng là một “hình phạt” rất nặng nề với vị đại biểu này. Mong rằng, những hình ảnh, lời nói “lăng mạ” lẫn nhau như thế sẽ không còn tồn tại ở chốn “quan trường”.
Điều 121 Bộ luật Hình sự quy định: Điều 121. Tội làm nhục người khác 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: A) Phạm tội nhiều lần; B) Đối với nhiều người; C) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; D) Đối với người thi hành công vụ; Đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng