"Kết luận của UBKTTW được coi là tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án hình sự của ông Phiếu. Nếu đúng là như vậy thì chúng ta đã có căn cứ để đề nghị cấp có thẩm quyền ra Quyết định kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bản án hình sự có hiệu lực pháp luật  trước đây đã tuyên đối với ông Đinh Đức Phiếu" luật sư Bùi Đình Ứng nói.


Nhiều nơi lên tiếng đòi minh oan cho người bị tội "Vu khống lãnh đạo tỉnh Ninh Bình" (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Báo VietNamNet có đăng bài “Đề nghị minh oan cho người bị tội “vu khống lãnh đạo tỉnh Ninh Bình”, “Đồng đội của tôi rất cần được minh oan” của Đại tá Tiến sỹ Nguyễn Xuân Giang và “Các cấp Hội CCB đề nghị minh oan”. Nội dung của các bài viết này là đề nghị cấp có thẩm quyền sớm can thiệt để minh oan cho ông Đinh Đức Phiếu bị Tòa án nhân dân TP.Ninh Bình xử sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù giam về “tội vu khống”:
 
"Nội dung bài viết  thật sự xúc động, thể hiện tấm lòng, tình đồng đội, tình đồng chí luôn luôn sát cánh bên nhau của các “anh bộ đội cụ Hồ”. Họ cùng nhau chiến đấu với “cái ác” kể cả trong thời chiến cũng như thời bình. Tôi khâm phục tinh thần chiến đấu trên mặt trận chống tham nhũng của ông Đình Đức Phiếu hiện nay cũng như những cống hiến của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây" luật sư Ứng nói.

Tuy nhiên, qua hai bài viết, với tư cách là một luật sư, luật sư ứng phân tích: Tôi thấy còn một số thông tin chưa được rõ để chúng ta có “đường đi, lối bước” cho phù hợp với quy định của pháp luật đảm bảo đạt được hiệu quả, đó là: Bản án hình sự sơ thẩm số: 135/2008/HSST ngày 01/12/2008 của Tòa án nhân dân TP. Ninh Bình tuyên phạt ông Đinh Đức Phiếu 5 năm tù giam về “tội vu khống” đã có hiệu pháp luật hay chưa? Vì trong bài viết có nói đến phiên tòa Phúc thẩm nhưng lại không đề cập đến kết quả của phiên tòa Phúc thẩm này thế nào? Đã hủy án sơ thẩm hay y án sơ thẩm đã tuyên?. Chính vì vậy, tôi xin được bày tỏ quan điểm của mình theo các giả thiết sau:

Nếu cấp Phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm nói trên để điều tra lại hoặc xét xử lại (điều 248; 250 Bộ luật TTHS ) mà đến nay vẫn chưa kết luận điều tra được thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân TP.Ninh Bình phải ra Quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì đã hết thời hạn điều tra vẫn không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Đinh Đức Phiếu và đương nhiên các cơ quan liên quan phải khôi phục lại toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đinh Đức Phiếu.

Nếu cấp Phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm thì bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Nay Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng kết luận các cá nhân mà ông Phiếu trước đây từng tố cáo có sai phạm, nội dung các sai phạm này lại đúng với nội dung tố cáo của ông Phiếu trước đây, do đó nội dung đơn tố cáo của ông Phiếu là hoàn toàn chính xác, không phải là hành vi vu khống. Kết luận của UBKTTW được coi là tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án hình sự của ông Phiếu. Nếu đúng là như vậy thì chúng ta đã có căn cứ để đề nghị cấp có thẩm quyền ra Quyết định kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bản án hình sự có hiệu lực pháp luật  trước đây đã tuyên đối với ông Đinh Đức Phiếu.

Nếu rơi vào trường hợp thứ nhất: Tôi tin vụ án của ông Đinh Đức Phiếu sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ điều 34, 36,112, 119, 164 – Bộ luật TTHS ra Quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và quyền lợi của ông Phiếu sẽ được bồi thường, khôi phục theo quy định của pháp luật.

Nếu là trường hợp thứ hai: Không cơ quan nào ngoài Tòa án nhân dân Tối cao có quyền hủy bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm trước đây đã tuyên đối với ông Đinh Đức Phiếu. Để Tòa án ND Tối cao có cơ sở xem xét theo trình tự giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm) bản án đã có hiệu lực pháp luật lại phải dựa trên cơ sở có Quyết định kháng nghị bản án của người có thẩm quyền kháng nghị theo quy định tại điều 275 hoặc 293 Bộ luật TTHS.

Chính vì vậy, luật sư Bùi Đình ứng hướng dẫn: Ngoài việc đồng đội, người thân, Hội CCB… gửi đơn kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét lại vụ án của ông Phiếu thì việc phải làm theo quy định của pháp luật là ông Đinh Đức Phiếu cần làm đơn gửi đến ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao hoặc ông Chánh án TANDTC đề nghị ra Quyết định kháng nghị vụ án của ông theo trình tự giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm) bản án (đây là thủ tục bắt buộc khi có yêu cầu xem xét lại vụ án đã có hiệu lực pháp luật).

Luật sư Bùi Đình Ứng – Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn luật sư TP.Hà Nội