- Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Thông tư hướng dẫn về Pháp lệnh người có công trong đó có điều khoản cộng 2 điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học.

Vừa công bố, nội dung trên đã bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ. Có người còn cho rằng vừa ngủ dậy nghe thông tin này suýt ngất. Có Giáo sư mỉa mai hay tại “lỗi cậu đánh máy”.

PGS.TS Văn Như Cương: "Nếu Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đến nay thì tính ra còn mấy người, và độ tuổi của các Bà mẹ có đi thi đại học được nữa không?. Tôi thấy khó hiểu và không thực tế. Các cơ quan nhà nước cần xem lại có phải lỗi đánh máy không hay là quy định như vậy?".

GS.TS Nguyễn Mậu Bành cho rằng: “Hiện nay cũng còn nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng nhưng tính thời kháng chiến chống Mỹ ít nhất cùng phải 70 tuổi trở lên.

Trao đổi với báo chí, GSNguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng việc mở rộng đối tượng cộng điểm ưu tiên này “lạ” và không có ý nghĩa với thời điểm hiện tại.

{keywords}
Người mẹ

 Trước làm sóng phê phán việc “ngồi phòng máy lạnh” ra chính sách, đại diện Bộ giáo dục trần tình: "Cần hiểu rằng bà mẹ Việt Nam anh hùng không phải chỉ là những bà cụ 80, 90 tuổi mà những bà mẹ có con đi bộ đội đã hi sinh cũng được xem xét phong tặng. Điều này rất phù hợp để đảm bảo học tập suốt đời. Quy chế tuyển sinh cũng không quy định tuổi dự thi đại học", ông Ngô Kim Khôi Cục trưởng Cục khảo thí nói.

Có lẽ điều đó là sự “vụng chèo khéo chống” vì bản thân thông tư còn sờ sờ hai đối tượng cũng được cộng điểm cơ mà, đó là người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Vậy những người này còn bao nhiêu người hay động viên họ thi “trên trời”.

Dù chống chế thế nào thì những qui định đó vẫn xa rời thực tế nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là “lạ và không có ý nghĩa với thời hiện tại”.

Những chuyện lạ ấy đâu phải chỉ có Nghị định của Bộ giáo dục – Đào tạo vừa ban hành. Ở ta rất nhiều thông tư, nghị định cũng rơi vào tình trạng “như đi trên mây”, có cái chưa ban hành đã lại phải hủy.

Trước đấy thông tư triển khai nghi định về xử phạt mũ bảo hiểm rởm đối với người tham gia giao thông cũng gây xáo trộn tâm lý của người dân. Dư luận đặt câu hỏi sao không phạt người làm ra mũ rởm mà lại đánh vào người tiêu dùng? Cuối cùng cái qui định xa rời thực tế ấy đã phải rút lại.

Một qui định gây xôn xao dư luận và lãng phí đã làm tốn nhiều giấy mực của báo chí đó là qui định làm chứng minh thư nhân dân phải ghi rõ bố mẹ. Đã triển khai làm thí điểm, đã in nhiều bản phôi sau đó phải nhanh chóng “cất vào ngăn kéo”. Mực cười nhất là mới đây TP Hồ Chí Minh đề xuất của một cơ quan qui định phụ nữ 33 tuổi không được sinh con?

Mới đây vừa công bố dự thảo lần 3 của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền cao nhất lên đến 100 triệu đồng, trong đó có qui định vợ chồng kiểm soát tiền của nhau có thể bị phạt 1 triệu đồng…

Rất dồn dập, các cơ quan chức ra những thông tư nghị định mà như một bạn đọc nhận xét ngủ dậy nghe thấy suýt ngất. Báo chí và dư luận đặt câu hỏi tại sao lại có nhiều văn bản “lạ” như vậy, chất lượng cán bộ tham mưu, công chức của ta ra sao? Hay những tham mưu này rơi vào bộ phận như Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói có một bộ phận công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”.

Bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong kỳ họp vừa qua đặc biệt nhấn mạnh vấn đề chất lượng xây dựng các nghị định và thông tư. “chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm của Chính phủ còn có những hạn chế. Khá nhiều Bộ, ngành trực tiếp hoặc đề xuất Chính phủ ban hành nhiều quy định xa rời thực tế, thiếu khả thi, cá biệt còn trái luật. Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo nên tình trạng “nhờn” pháp luật của cả người dân và cán bộ thực thi” Theo bà Nga, những quy định bất hợp lý dù mới chỉ là dự thảo nhưng cũng đã gây xáo trộn tâm lý đời sống của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh.

Thiết nghĩ đã đến lúc cần có qui định xử phạt nghiêm minh, xem xét trách nhiệm và bồi thường đối với những cơ quan nào làm ra văn bản sai, như đại biểu quốc hội yêu cầu.

Nguyễn Đăng Tấn