Tôi trực điện thoại đường dây nóng của cơ quan. Tuy nhiên, số điện thoại này liên tục bị những người lạ nhắn tin, gọi điện gạ gẫm chuyện yêu đương, quan hệ với nhiều lời lẽ hết sức thô tục.

TIN BÀI KHÁC

Các số điện thoại trên xưng danh tên tuổi, quê quán rất cụ thể và gọi điện, nhắn tin bất kể ngày đêm (số điện thoại đường dây nóng không được phép tắt).

Vậy cho tôi hỏi tôi có thể nhờ cơ quan nào can thiệp để chấm dứt tình trạng trên? Nếu tôi kiện ra tòa thì việc của tôi có được xử lí không?

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Việc “nhắn tin, gọi điện gạ gẫm chuyện yêu đương, quan hệ với nhiều lời lẽ hết sức thô tục” vào số điện thoại đường dây nóng của cơ quan bạn là hành vi lợi dụng hoạt động viễn thông để quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, hành vi lợi dung hoạt động viễn thông để “đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc chấm dứt sử dụng dịch vụ.

Ngoài ra, nếu tính chất và mức độ của việc quấy rối, đe dọa, xúc phạm là nghiêm trọng, và có đủ căn cứ, thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng tại Bộ luật Hình sự như: “Tội đe dọa giết người” (Điều 103 Bộ luật Hình sự), “Tội làm nhục người khác” (Điều 121 Bộ luật Hình sự).v.v…

Bạn là người trực đường dây nóng của cơ quan, nên thường xuyên phải nhận các cuộc điện thoại của người lạ, nguy cơ bị quấy rối điện thoại là rất cao. Do đó, bạn nên đề nghị cơ quan lắp đặt thêm thiết bị lưu số và ghi âm cuộc gọi đến, để làm chứng cứ đối với các hành vi quấy rối qua đường dây nóng.

Khi bị quấy rối, đe dọa hoặc xúc phạm, cơ quan bạn có thể báo và gửi các bằng chứng về việc quấy rối điện thoại cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông mà cơ quan bạn là khách hàng. Khi nhận được thông báo của khách hàng về việc bị quấy rối qua điện thoại, doanh nghiệp viễn thông sẽ có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và yêu cầu chủ thuê bao ngừng ngay việc quấy rối. Nếu chủ thuê bao quấy rối cố tình vi phạm, doanh nghiệp viễn thông sẽ ngừng cung cấp dịch vụ, đồng thời báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông không nhắc nhở, cảnh cáo thuê bao quấy rối và để tình trạng đó tiếp diễn, cơ quan bạn có thể gửi đơn (công văn) đến Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông để yêu cầu cơ quan này xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).