- Trong những ngày này nguyện vọng cháy bỏng của mỗi người dân là được một lần đến nhà riêng hoặc vào nhà tang lễ để viếng Đại tướng.

Tôi có may mắn là được vào viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ Quốc gia Trần Thánh Tông.

Hai giờ chiều 12 tháng 10, Đoàn xe của Bộ TT& TT xuất phát tại cơ quan vào nhà tang lễ.  Theo lịch thì Bộ là đoàn xếp thứ tự 20. Dọc đường đi rất cảm động nhìn thấy dòng người nối dài vài ba cây số vẫn trật tự xếp hàng để có may mắn được vào nhà tang lễ. Những chiếc áo tình nguyện xếp hàng dài để giữ trật tự và dài cũng không kém người chờ vào viếng.

{keywords} 

Xe được cấp ưu tiên B cũng chỉ đến cổng nhà tang lễ. Chúng tôi xếp hàng để đi vào.

Lúc này trong sân động nghịt những người. Toàn là các Ban và Bộ chờ để đi vào.

Phía trước nhà tang lễ là một màn hình to. Một nửa dùng để chiếu trực tiếp các đoàn đang vào viếng và kính cẩn trước linh cửu của Đại tướng. Một nửa thì dùng để thông báo thứ tự các đoàn vào viếng.

Kế hoạch là vậy, song đến khoảng nửa buổi thì không thực hiện được mà các đoàn đã vào cứ thế nhích dần lên để đi vào.

Lúc này kế hoạch cũng đã thay đổi một chút. Trước kia đoàn người viếng đi hàng một và vòng quanh linh cửu để chào tạm biệt thì nay đi hàng hai và không vòng quang nữa để được nhiều người vào và nhanh hơn.

Hôm nay không phải là ngày quá nóng nhưng vì quá đông nên ai nấy thấy nóng nực mồ hôi ướt đầm áo.

Cảm động nhất là đoàn của cựu binh thương binh. Các anh chắc từ xa đến, có người không đi được đồng đội phải cõng trên vai. Mặc dù là giờ viếng các cơ quan Trung ương song phải nhường để các anh vào. Họ đến gần và có người còn quỳ bên linh cửu của Đại tướng nước mắt giàn giụa, ai nhìn cũng không kìm được dòng lệ.

Trong dòng người đi viếng có rất nhiều cháu tuổi còn rất trẻ chừng 8 đến 12 tuổi. Đó là những đoàn dân sự mà Ban tổ chức lúc trưa đã mở cửa cho vào sau khi các đoàn của Đảng, Nhà nước kết thúc. Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đỏ hồng của các cháu. Người đông đến mức sân nhà tang lễ không đủ không khí để thở. Có người đã đưa ra sáng kiến ngửa mặt lên trời thì dễ thở hơn. Và các cháu thỉnh thoảng cũng được bế lên cao cho dễ thở.

Chúng tôi đứng trong sân nhà tang lễ hai tiếng đồng hồ. Người chật như nêm. Các anh lãnh đạo của Bộ ai nấy cũng ướt đẫm mồ hôi và nhích dần từng bước.

Liên tiếp từ Ban tổ chức đưa ra thông báo để bà con ai cũng được vào viếng. Trước giờ viếng đến 21h may sẽ tiếp tục đến 6h sáng hôm sau. Tin đó lập tức được truyền về các tòa soạn và được đăng tải để đồng bào biết.

Sân nhà tang lễ hình như hôm nay quá nhỏ bé. Có tiếng phàn nàn sao ban tổ chức không duy trì qui định như trước là lần lượt đến Ban, Bộ nào thì mới vào mà lại để như vậy. Nhưng đúng thật lúc đó không còn cách nào làm khác vì không còn nơi để xếp hàng mà vào. Thấy được điều đó Ban tổ chức liền thông báo tạm thời đóng cửa vào.

Tôi lúc đầu hơi ngại vì qui định của Bộ là những ai vào viếng đều phải mặc áo màu đen và comple đen nhưng riêng mình lại mặc một kiểu. Chả là ở Tòa soạn có phát cho các phóng viên một áo có in hình Đại tướng và một huy hiệu để tác nghiệp cho dễ. Tôi mặc áo này vào thấy hơi lạc lõng. Tuy nhiên vào đó ai cũng thấy là chiếc áo và huy hiệu rất hợp.

Đoàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào viếng thật cảm động. Các vị chư tăng kính cẩn đi vòng quanh cầu nguyện cho Đại tướng. Có người  quì xuống vái Đại tướng không muốn rời, người của ban tổ chức phải dìu để không làm chậm dòng người đi viếng.

{keywords} 

Hai tiếng nhích dần, giờ chúng tôi đã đứng trước lối vào nhà tang lễ. Theo hai hàng người, tôi bước hối hả theo nhịp cuốn của dòng người và cũng chỉ kịp vái Đại tướng ba lạy và lướt qua gia quyến như một cơn gió.

Vâng chờ hai tiếng và vào viếng chỉ hơn 10 giây nhưng là niềm hạnh phúc lớn lao của một người lính như tôi. Tôi cũng có may mắm được vào thăm Đại tướng khi ông còn sống và mong mỏi được vào viếng và tiễn biệt ông đã thành hiện thực.

Xin được vĩnh biệt Người với niềm tiếc thương vô hạn, xin vĩnh biệt người bằng những tình cảm của một người lính cụ Hồ đã kinh qua thời kỳ ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Mong Đại tướng ở cõi vĩnh hằng hãy bình yên.

Nguyễn Đăng Tấn