- Có phải do công tác giáo dục y đức có vấn đề? Hay ngành y tế đang buông lỏng công tác quản lý tại các cơ sở khám, chữa bệnh?
TIN BÀI KHÁC
(ảnh minh họa) |
Vì sao như vậy? Có phải do hệ thống pháp luật chưa đủ sức răn đe? Có phải do công tác giáo dục y đức có vấn đề? Hay ngành y tế đang buông lỏng công tác quản lý tại các cơ sở khám, chữa bệnh? Theo cá nhân tôi, cả ba lý do này đều có lý, bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, về chế tài pháp luật
Quy trình khám, chữa bệnh trong từng hoạt động chuyên môn chưa được luật hóa chi tiết đầy đủ, nên khi gặp tai biến trong khám, chữa bệnh (gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh) thì rất khó xác định trách nhiệm của từng khâu, từng cán bộ trong ê kíp khám, chữa bệnh. Vì vậy, trên thực tế, hầu như chưa có vụ tai biến nào mà y, bác sỹ trong ê kíp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dù cho số người bệnh bị tử vong do sự tắc trách của cán bộ y tế vẫn liên tục xảy ra. Ngoại trừ có chứng cứ rõ ràng chứng minh cơ sở khám, chữa bệnh đó hoạt động sai phép, có sai sót về chuyên môn, kỹ thuật như vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường vừa xảy ra.
Mặt khác, chế tài kỷ luật đối với cán bộ sai phạm cũng quá nhẹ, thông thường là xử lý nội bộ, vì các cơ sở thường biện minh đó là rủi ro nghề nghiệp chứ không phải tắc trách nghề nghiệp. Còn chế tài xử phạt đối với các cơ sở khám, chữa bệnh không phép, hoạt động không đúng giấy phép thì thực sự chưa đủ sức răn đe. Theo quy định hiện hành, mức phạt hành chính cao nhất cho hành vi vi phạm liên quan đến giấy phép hoạt động, giấy phép hành nghề chỉ ở mức 20 triệu đồng. Trong khi đó, hậu quả tiềm tàng do hành vi vi phạm này gây ra là vô cùng lớn.
Thứ hai, về giáo dục y đức
Có lẽ đang quá thiếu một “thế hệ vàng” đủ cái tầm, cái tâm đứng trên giảng đường để dạy hai chữ “y đức” cho sinh viên y khoa. Lời thề Hippocrates gần như chỉ là hình thức trong lễ tốt nghiệp. Y đức hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là đạo đức nghề nghiệp mà còn phải giỏi chuyên môn và tuân theo pháp luật. Thiếu một trong các yếu tố trên, y đức sẽ không còn, và ai đó vẫn bất chấp để hành nghề là tội ác. Trường hợp bác sỹ phi tang xác bệnh nhân là một ví dụ.
Có lẽ cơ chế thị trường, xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh đã tạo điều kiện và làm hư đội ngũ y, bác sỹ đang cố chạy theo đồng tiền quên hết y đức và sự mệnh cao cả của một người thầy thuốc.
Thứ ba, về công tác quản lý
Người dân không thể chấp nhận cái cảnh vào bệnh viện là phải quỳ lụy, van xin và đưa phong bì. Người bệnh nghèo thì không có khả năng chi trả cái gọi là “giá dịch vụ” để được khám liền, mổ nhanh như các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước đưa ra. Người dân cũng không thể phân biệt được đâu là phòng khám thật, phòng khám giả của các cơ sở tư nhân. Người bệnh cũng hiếm khi nhìn thấy nụ cười hay một cử chỉ thân thiện của người “mẹ hiền” giống như lời Bác Hồ dạy “lương y phải như từ mẫu”.
Đó thực sự là vấn nạn nhức nhối, nó như một loại virus chưa có kháng thể để trị tận gốc và đang lây nhiễm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vậy kháng thể đó ở đâu? Câu trả lời là ở công tác quản lý. Nếu tệ nạn mại dâm khó dẹp là vì nó phức tạp và hoạt động dưới các hình thức tinh vi. Còn tệ nạn “phong bì” và “sự tắc trách”, “vô cảm” trong nghề nghiệp của đội ngũ y bác sỹ trong các cơ sở khám chữa, bệnh mà không dẹp được thì chắc chắn là công tác quản lý đang bị buông lõng.
Hiện tại, có lẽ áp lực dư luận đang đè lên người “tổng tư lệnh” ngành y tế, vì có quá nhiều chuyện đau buồn xảy ra trong ngành. Mong bà “tổng tư lệnh” sớm có những hành động cụ thể nhất để chấn chỉnh vấn nạn này. Mạnh dạn đề nghị cách chức bất cứ người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh nào nếu để xảy ra chuyện tắc trách nghề nghiệp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh là một giải pháp mạnh tay.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng luật Giải Phóng