Do phải liên tục lặn lội khảo sát loài linh trưởng trong các khu rừng, vách núi mà có lúc Hiền đã phải bỏ mất đứa con trong bụng vì quá sức. Để có tiền dựng Trạm cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Tilo đã phải bán cả cơ nghiệp của mình ở Đức.

Chuyện tình của Hiền

Tôi ấn tượng đặc biệt với bộ quân phục màu xanh lá rừng, có phiên hiệu riêng của "kiểm lâm Trung tâm cứu hộ" mà vợ chồng Tilo Nadler và Nguyễn Thị Thu Hiền, cùng mấy chục nhân viên ở Trung tâm thường mặc.

Tilo vốn là thạc sĩ chuyên ngành điện lạnh ở các bảo tàng động vật nhưng "tình yêu" của anh lại dành cho các loài động vật hoang dã nên từ dân kỹ thuật, anh trở thành chuyên gia nghiên cứu linh trưởng.

Trước khi gắn bó với núi rừng  Việt Nam, Tilo từng đến châu Phi và nhiều nước khác ở châu Á để nghiên cứu loài linh trưởng. Năm 1991, theo sự phân công của một dự án, Tilo đến Việt Nam tiến hành nghiên cứu bảo tồn linh trưởng của Trung tâm Zoologische Gesellschaft Franrfurt. Trong những ngày lặn lội ở núi rừng Việt Nam, Tilo đã gặp Thu Hiền, cô sinh viên khoa Kinh tế, Trường ĐHTH Hà Nội. Khi đó, Hiền là cộng tác viên hướng dẫn cho một số công ty lữ hành. Hiền vốn thích ngao du nên đã cùng Tilo trèo đèo lội suối hàng tuần lễ liền để tìm hiểu tập quán của loài linh trưởng tại Việt Nam. Chia sẻ với nhau trên từng cây số, tình yêu của họ nảy nở từ đó.
Vợ chồng Hiền - Tilo và hai con trai
Thế nhưng, để có được tình yêu, Hiền và Tilo phải vượt qua nhiều chông gai. Biết con gái mình yêu một người Đức gần bằng tuổi cha, hơn cả tuổi mẹ, gia đình Hiền ra sức ngăn cản. Mười năm họ kiên trì yêu nhau mới nhận được sự đồng ý của cha mẹ Hiền để hai người tiến tới hôn nhân. Trước ngày cưới hai ngày, Hiền mới biết Tilo hơn mình đến... 31 tuổi, con gái riêng của anh hơn chị năm tuổi.

Năm 1996 dự án thành công, nhiệm vụ của Tilo xem như xong nhưng tiếng gọi của núi rừng Việt Nam và tình yêu với cô gái Hà thành đã níu chân anh ở lại. Để nghiên cứu sâu hơn, hiệu quả hơn, Tilo quyết định rời  Hà Nội vào Cúc Phương bám rừng. Đã yêu, Hiền cũng chỉ một con đường duy nhất là từ bỏ phố phường vào rừng cùng gã đàn ông người Đức.

Hiền tâm sự, từ ngày gắn bó với Tilo và với núi rừng, hai vợ chồng chưa bao giờ được phép ốm. Lịch làm việc của hai vợ chồng dày kín: sáng, chiều làm việc tại Trạm cứu hộ linh trưởng nguy cấp, tối về loay hoay dịch tài liệu. Chợp mắt được một chút là sáng, lại phải vội vã ra xem công nhân làm việc ra sao... Hiền bảo, kết hôn với Tilo 16 năm nhưng Hiền chưa một lần được lên xe hoa.

"Lục Vân Tiên" Cúc Phương

"Rừng Cúc Phương rộng 22 ngàn héc ta, trải rộng ra biên giới ba tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Hòa Bình. Cửa rừng Cúc Phương, địa phận Nho Quan, bên trái là bản doanh Trung tâm bảo hộ linh trưởng, do Thạc sĩ Tilo Nadler làm giám đốc. Tiếp theo, dọc hai bên lộ, là các trung tâm bảo vệ rùa, cầy vằn, thuần dưỡng hươu nai, trung tâm thực vật. Các trung tâm này đều do người nước ngoài làm chủ đề tài", anh Hoàng Xuân Thủy, cán bộ rừng quốc gia Cúc Phương cho biết.

Năm 1991, nhiều cán bộ ở Hà Nội và Ninh Bình đã ngỡ ngàng khi tiếp một vị khách to lớn, mặt đỏ, râu đen, nói năng nóng nảy là Tilo Nadler. Anh mang đến Cúc Phương khát vọng bảo vệ loài voọc mông trắng từng được xem là đã bị tuyệt chủng. Trong nhiều năm người ta chỉ biết đến chúng qua hình ảnh ố vàng in trên một con tem cổ của một nhà sưu tầm tư nhân.

Chúng tôi đến trạm cứu hộ của Tilo. Một thanh niên người Mường - Đinh Văn Vinh, đội trưởng, dẫn tôi đi thực tế. Hơn ba chục chuồng thú quây lưới, mỗi cái rộng năm sáu chục mét vuông dưới tán rừng. Trung tâm cứu hộ có 150 cá thể, thuộc đủ chín dòng linh trưởng quý hiếm.

Toàn bộ số voọc trong trại đến từ các hạt kiểm lâm, do thu giữ của bọn săn bắt, mua bán thú. Một số voọc và thú khác được người nước ngoài có ý thức, khi du lịch, đã mua tại các chợ, mang đến giao nộp. Đa phần khi tới đây, chúng đều mang thương tích, có con trong tình trạng suy kiệt, sắp chết, có con đang bị thương phải điều trị cả năm trời, có những con phải phẫu thuật cưa bớt tay hoặc chân, thậm chí bỏ cả đôi mắt mới cứu được.

Nếu nhìn bề ngoài, không ai biết người đàn ông Ðức gần 70 tuổi này từng vinh dự đón nhận Thư khen của Chủ tịch nước Việt Nam, Huân chương Lao động hạng ba do Nhà nước Việt Nam trao tặng, giải thưởng danh dự hạng nhất dành tặng các chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn của thế giới.

Tilo nói tiếng Việt đủ để đi chợ, dù đã hơn 10 năm lấy vợ Việt, sinh hai con trai. Với phong cách bụi bặm, giang hồ, nói là làm, đỏ mặt tía tai khi gặp chuyện chướng tai gai mắt, Tilo được người dân bản Mường quanh khu vực rừng quốc gia Cúc Phương thường gọi là lão "thiên lôi". 16 năm qua, gã thiên lôi bám rừng Cúc Phương chỉ với mỗi tâm niệm "giữ gìn những gì sắp mất cho thế hệ mai sau". Hai đứa con trai của Tilo, đứa bảy tuổi, đứa bốn tuổi dường như cũng hiểu công việc của cha mẹ mình. Chúng tự chơi với nhau. Chơi với những con voọc, chơi với thiên nhiên núi rừng Cúc Phương.

Có người gọi Tilo là "con linh trưởng chúa". Người nói Tilo là một "hiệp sĩ” vì cảm phục tấm lòng nhân ái với muôn loài của ông. Có lẽ vì thế ở Trạm cứu hộ linh trưởng nguy cấp cả Tilo, Hiền và những người công nhân đều gọi những chú linh trưởng là bạn.

(Theo Phunuonline)