Ngày đầu tiên tôi gặp Lĩnh, cậu ấy ú ớ không nói được vì bệnh bại não. Thế nhưng Lĩnh vẽ tranh thì tuyệt đẹp, bức tranh “Mùa chim làm tổ” được trưng bày tại triển lãm “Alaxan chiến thắng nỗi đau” là một bức tranh như thế. Ý nghĩa của nó thấu đến tận tâm người xem vì nó chạm đến khát khao được sum vầy, yêu thương của những số phận đặc biệt.

Tuổi thơ bệnh tật và những nét vẽ đẹp đến nao lòng

Lĩnh bên giá vẽ, với những nét vẽ sự vật (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Gặp Lĩnh lần đầu tiên ở một triển lãm đông người, nói chuyện với cậu tôi chỉ nghe được những tiếng ú ớ phát ra từ cổ họng không rõ nghĩa. Thế nhưng, ông trời để cho cái thân hình của Lĩnh tiều tụy, kém may mắn ấy bao nhiêu thì đã bù lại cho tâm hồn cậu một vẻ hồn hậu, đẹp đẽ rồi dồn hết lên bút vẽ, những nét vẽ đẹp đến nao lòng.

Lê Quang Lĩnh, là một thanh niên không may mắn, anh sống cùng gia đình ở số nhà 249, đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh. Từ nhỏ sau một cơn sốt bất ngờ lúc 1 tuổi thì trên người anh xuất hiện chứng co cơ. Gia đình khổ công chạy chữa nhiều nơi không được, bác sĩ tây y kết luận, Lĩnh bị bại não.

Bệnh lý mãn tính này ảnh hưởng nghiêm trọng đến bề ngoài của Lĩnh, các cơ chân và cơ tay co lại, đi lại khó nhọc và ảnh hưởng đến tiếng nói. Thương Lĩnh, gia đình vẫn tạo điều kiện cho anh được đi học bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng đến khoảng lớp 5 thì bệnh càng nặng, Lĩnh buộc phải nghỉ học.

Nghĩ con bệnh tật, thui thủi ở nhà khổ thân, bố mẹ Lĩnh cũng đã cho anh đi học vẽ ở Cung văn hoá tỉnh Hà Tĩnh. Lĩnh tâm sự: “Tôi bệnh tật nhưng bố mẹ rất thương. Nhà có mấy anh em người lành, người tật nhưng mẹ không vì thế mà thiên vị ai cả. Được học vẽ và được vẽ là những bước ngoặt trong cuộc đời Lĩnh”.

Vẽ để làm chi?

Bàn tay run run nhưng nét vẽ thì thẳng thắn và thanh thoát (Ảnh nguồn VOVNews)
Nhìn bàn tay run run, đôi chân đi không vững, ai đó ác miệng bảo với anh rằng: “Đã thế vẽ để làm chi?”. Chẳng ai tin tưởng vào khả năng của anh. Thế nhưng từ từ theo thời gian, Lĩnh đã chứng tỏ khả năng đặc biệt của mình. “Ông trời” đã cướp đi những thứ bình thường trên cơ thể cậu thì lại trả lại cho tâm hồn cậu những sự cảm thông đặc biệt và cậu truyền tải nó thành những nét vẽ.

Chân tay Lĩnh yếu đuối, ai đó bảo rằng Lĩnh chỉ đi và trong thế giới của riêng cậu, nó yếu đuối, tội tình. Nhưng không phải, xem những bức tranh Lĩnh vẽ, người ta thấy cậu đi bằng những đôi chân của nhiều con người khác nhau.

Một em nhỏ ngồi trên xe lăn đi chơi trung thu, một người mẹ tắm cho cậu con trai đã lớn nhưng khuyết tật, những dãy số, những đóa sen, những công thức toán học… Trong những hình ảnh cậu vẽ mà tôi được xem, với rung động của người đã đi, gặp và trải nghiệm, tôi thấy hình ảnh của một một vài cảnh đời trong đó. Có thể họ ở Lào Cai, Lạng Sơn, Cà Mau, Hà Giang… Họ là đại diện của những mảnh đời bất hạnh hiện lên trong tranh của Lĩnh, mà khi ta xem tranh ta có thể thấy mình may mắn, từ đó trở nên nhân hậu và lạc quan hơn.

Lĩnh thích vẽ, có năng khiếu hội họa thì cũng đã rõ. Nhớ lại ngày đầu con cầm bút vẽ, mẹ Lĩnh bảo: “Bàn tay run, những ngón tay co rút không để cho đầu óc người điều khiển… đau đớn tột cùng”. Thế nhưng đau mãi thành quen, Lĩnh vẽ được, vẽ đẹp. Những mảng màu tươi sáng hiện ra…

Trời ơi! Ước mơ…

Lĩnh bảo mình vẽ được rất nhiều tranh nhưng không có cơ hội làm triển lãm hay bày bán. Chi phí để vẽ mỗi bức tranh tốn kém ngốn vào tiền ăn của bố và mẹ đã già. Lúc nào cũng muốn vẽ nhưng điều kiện thì ngày một thu hẹp dần…

Gia đình cho Lĩnh đi học sửa chữa máy tính, một nghề hiện khá “hot” ở những tỉnh xa trung tâm để lấy nghề kiếm sống. Thế nhưng Lĩnh bảo: Chưa bao giờ mình nguôi ý nghĩ được tiếp tục vẽ, được thể hiện suy nghĩ qua những bức tranh. Mọi nẻo đường của mơ ước đều dẫn Lĩnh đến những bức trang, những mảng màu mà ở đó cuộc sống hiện lên trong trẻo nhưng không kém phần sâu sắc.

Người mà không từng đơn độc và đau khổ thì không thể vẽ. Nhưng khi vẽ rồi mà không thể chia sẻ thì điều đó còn đơn độc và đau khổ hơn… Chàng họa sĩ Lê Quang Lĩnh đang ở trong một tình cảnh như thế.

Mang ao ước có thể tổ chức được một triển lãm tranh do mình vẽ, Lĩnh cứ khát, cứ ước thấu đến tâm can những người gặp cậu. Mong rằng có những tấm lòng hảo tâm, giúp Lĩnh thực hiện được khát khao ấy.

Địa chỉ liên hệ của Lê Quang Lĩnh: Số nhà 249, đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh. ĐT: 0393.852713. Địa chỉ email: lequanglinh12@yahoo.com

T.Phan