- Em đi làm doanh nghiệp ngoài, doanh nghiệp em khi ký hợp đồng ghi rõ mức lương khi ký hợp đồng lao động là 6.000.000 đồng bao gồm cả phụ cấp, bảo hiểm và những khoản khác.

TIN BÀI KHÁC

Khi đó em muốn đóng Bảo hiểm tại công ty thì mất 100%, tức là trừ hết vào lương hiện hưởng của em. Thêm vào đó, công ty em thường nợ lương NLĐ từ 3 đến 5 tháng mới trả nên toàn nợ tiền bảo hiểm. Vì vậy em rất sợ khi nộp bảo hiểm tại công ty. Em mới lập gia đình, muốn đóng bảo hiểm để hưởng chế độ thai sản cũng như chế độ lâu dài. Một số chị công ty em đã đóng bảo hiểm mấy năm rồi, sinh con đã 3 năm nay rồi mà vẫn chưa nhận được chế độ bảo hiểm xã hội.

Xin hỏi: Em nên đóng BHXH theo Công ty hay tự đóng tại cơ quan bảo hiểm nơi mình công tác ? Hình thức đóng BHXH bên ngoài như thế nào?

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất NSDLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc khi ký hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên.

Tại điểm a, khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2006 quy định người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên là đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Khoản 2, Điều 2 Luật BHXH 2006 nêu rõ, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm có doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

Như vậy, doanh nghiệp nơi bạn làm việc thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp bạn ký kết HĐLĐ có thời hạn từ 3 tháng trở lên với công ty thì bạn cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Thứ hai về mức đóng và phương thức đóng BHXH bắt buộc

Điều 5 Quyết định 1111/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định mức đóng BHXH bắt buộc bằng tỷ lệ phần trăm (%) mức tiền lương, tiền công tháng như sau:

- Từ 01/01/2014 trở đi: bằng 26%, trong đó người lao động đóng 8%; đơn vị đóng 18%.

Điểm a, khoản 1, Điều 18 Luật BHXH 2006 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động : Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 92 và hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội;

Khoản 3, Điều 101 BLĐ 2012 về khấu trừ tiền lương , mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.

Điều 7 Quyết định 1111/QĐ-BHXH quy định về phương thức đóng BHXH, theo đó chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương, tiền công tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Trường hợp NSDLĐ không thực hiện việc đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ, bạn có thể làm đơn khiếu nại đến Phòng lao động TBXH quận, huyện nơi công ty đặt trụ sở để được can thiệp về quyền lợi được đóng bảo hiểm XH theo quy định nhé.

Bạn nên đóng BHXH bắt buộc tại công ty nơi bạn làm việc để hưởng chế độ thai sản khi đủ điều kiện về thời gian đóng vì K2, Điều 4 Luật BHXH quy định bảo hiểm tự nguyện chỉ gồm 02 chế độ là hưu trí và tử tuất.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).