Tôi sống tại  TP.HCM, kết hôn với chồng cũ tháng 12/2003, tháng 4/2004 ba mẹ tôi xin phép ba mẹ chồng rước tôi về nhà cha mẹ đẻ sống khi đang có thai được 4 tháng. Từ đó anh đi chung sống với người khác như vợ chồng, tháng 8/2004 tôi sinh bé, được 3 tháng thì người phụ nữ kia cũng đã mang thai được 6 tháng.

TIN BÀI KHÁC

Đầu năm 2007 tôi nộp đơn ly hôn, tháng 3/2007 tôi nhận được quyết định ly hôn của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai, trong đó có ghi rõ: mỗi tháng chồng cũ phải cấp dưỡng nuôi con là 500.000 đồng và tôi đã nộp Quyết định cho Ban thi hành án TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai. Tôi đã nhiều lần liên hệ Ban thi hành hỏi thì người phụ trách nói: chồng cũ tôi thu nhập không ổn định (tài xế xe ben) nên không buộc được anh ta thi hành án và nói khi nào tôi cung cấp được thông tin chồng cũ tôi có tài sản thì họ mới buộc được anh ta thi hành án. Theo tôi được biết chồng cũ đã là chủ xe (trước đây làm tài xế chạy thuê cho người khác).

Nhưng đến nay con tôi đã 10 tuổi mà anh ta vẫn không thi hành cấp dưỡng nuôi con, con tôi đang độ tuổi đi học với đồng lương nhà nước tôi cũng gặp không ít khó khăn. Tôi phải làm thế nào?

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất: Trách nhiệm nuôi dưỡng con chưa thành niên sau ly hôn:

Điều 92 Khoản 1 Luật HN&GĐ 2000 quy định: “1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.”

Các điểm a, b, c Mục 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn cụ thể quy định nêu trên của Luật HN&GĐ như sau:

“Khi áp dụng quy định tại Điều 92 cần chú ý một số điểm sau đây:

a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 92 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

b. Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.

c. Về phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.”

Như vậy, việc cấp dưỡng nuôi con là nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con. Tiền cấp dưỡng nuôi con được Tòa án xác định dựa trên khả năng của mỗi bên.

Thứ hai: Đề nghị người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Điều 50 Khoản 2 Luật HN&GĐ quy định: “2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này.”

Điều 55 Luật HN&GĐ 2000 quy định:

“1. Người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Căn cứ các quy định trên đây, bạn có thể tự mình hoặc nhờ sự can thiệp của Viện kiểm sát, UB bảo vệ và chăm sóc trẻ em hoặc Hội liên hiệp phụ nữ của địa phương can thiệp để yêu cầu Tòa án buộc người cha phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Nếu chồng bạn không có khả năng thực hiện việc cấp dưỡng thì bạn có thể thỏa thuận với chồng về việc thay đổi mức cấp dưỡng hoặc tạm ngừng việc cấp dưỡng theo quy định tại Điều 53 và Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).