-  Tôi và vợ tôi có 2 đứa con (nay gái 7 tuổi và trai 4 tuổi). Vì vợ tôi có quan hệ phức tạp (đi theo đồng tính) nên cuối năm 2011 chúng tôi li hôn.

TIN BÀI KHÁC

Tòa giao bé 7 tuổi cho vợ tôi và bé 4 tuổi cho tôi trực tiếp nuôi dưỡng. Thì ngày 25/5/2014 vợ tôi cùng 3 người 2 nam 1 đồng tính đến bắt bé 4 tuổi đi khi bé cùng chơi bạn trước sân mà không nói với ai (như bắt cóc). Tôi có trình báo lên công an xuống lấy lời khai, tòa án có mời cô ta nhưng không đến. Cô ta trốn hết chỗ này chỗ kia cùng người đồng tính kia (đứa bé giờ không đi học đâu hết). Giờ tôi cũng không biết cô ta ở đâu. Tôi phải làm sao để mang bé về?

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Khoản 8 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giao dục trẻ em quy định: “8. Cản trở việc học tập của trẻ em;” là hành vi bị nghiêm cấm.

Điều 24 Khoản 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định:

“1. Cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em; khi gặp khó khăn tự mình không giải quyết được, có thể yêu cầu và được cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.”

Hành động của người mẹ trong tình huống nêu trên đã gây ảnh hưởng đến điều kiện phát triển bình thường của trẻ em, cản trở việc học tập của trẻ em.

Điều 93 Luật HN&GĐ 2000 quy định:

“Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Toà án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.”

Theo đó, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải thông qua quyết định, bản án của Tòa án. Việc tự ý thay đổi người trực tiếp nuôi con không đạt được sự thỏa thuận với bên còn lại và chưa được Tòa án công nhận là chưa đúng theo quy định pháp luật.

Theo Điều 27, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là một trong những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Theo đó, bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án về vấn đề tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con tại TAND cấp huyện nơi bị đơn cư trú. Bạn có thể liên hệ cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ xác định nơi cư trú của bị đơn.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).