Gia đình tôi có 4 thành viên: bố (còn minh mẫn), mẹ (đã mất), tôi (chưa có gia đình), và chị gái (đã có gia đình riêng từ năm 2001). Mẹ tôi mất năm 2014, chỉ để lại di chúc viết tay có sự đồng ý của bố tôi về quyền thừa kế chia cổ đông, nhưng không di chúc lại quyền thừa kế tài sản đất.

TIN BÀI KHÁC

Hiện nay gia đình tôi có 2.000 m2 đất do tổ tiên ông cha để lại, và đang mang tên hộ gia đình, chủ hộ là bố tôi.

Nay bố tôi định bán 200m2 đất, tôi và bố tôi đồng ý bán, nhưng chị gái tôi lại không đồng ý ký vào hợp đồng mua bán chuyển nhượng đất, vậy tôi muốn hỏi như sau:

- Chị tôi không ký vào HĐ mua bán chuyển nhượng thì tôi và bố tôi có quyền bán 200m2 đất đó không?

- Nếu bố tôi lập di chúc thừa kế vào lúc này thì quyền thừa kế được phân chia như thế nào?

- Di chúc viết tay không có dấu xác nhận của UBND xã, về mặt pháp lý thì tôi có được nhận phần cổ đông do bố mẹ tôi đã thống nhất viết di chúc tay cho tôi không?

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp, thửa đất 2000m2 nêu trên thuộc quyền sử dụng của Hộ gia đình, là tài sản chung của hộ gia đình nên việc định đoạt khối tài sản này phải tuân theo các quy định sau đây:

Điều 108 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ”.

Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Điều 109 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:

“1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.

2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý”.

Như vậy, đất được cấp cho hộ gia đình thì thuộc quyền sở hữu chung của tất cả mọi thành viên trong hộ gia đình. Việc xác định những người có quyền đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình được căn cứ vào sổ hộ khẩu tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. Việc định đoạt quyền sử dụng đất là tài sản của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý.

Nếu chị của bạn có tên trong sổ hộ khẩu vào thời điểm được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì phải được sự đồng ý của họ. Việc đồng ý được thể hiện bằng việc các thành viên đó cùng có mặt và ký tên vào hợp đồng tại thời điểm công chứng hợp đồng hoặc có sự ủy quyền cho một trong số các thành viên còn lại của hộ gia đình. Trường hợp hộ gia đình có thành viên chưa thành niên, hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì cần có sự đồng ý của người đại diện theo quy định của Điều 141 Bộ luật Dân sự.

Trường hợp cha bạn muốn để lại thừa kế thì chỉ được quyền định đoạt đối với phần tài sản của cha bạn trong khối tài sản tài sản chung của hộ gia đình.

Về hiệu lực của di chúc

Điều 655 Bộ luật dân sự 2005 quy định:

“Điều 655. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 653 của Bộ luật này. »

Như vậy vậy, di chúc viết tay vẫn được công nhận, tuy nhiên nội dung của di chúc phải phù hợp với các điều 652, 653 Bộ luật Dân sự 2005.

Điều 652. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Điều 653. Nội dung của di chúc bằng văn bản

1. Di chúc phải ghi rõ:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản;

đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

2. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).