- Em khai sinh và hộ khẩu ở TP HCM. Em lấy chồng quê Nghệ An và có sinh 1 cháu được 15 ngày tuổi tại Nghệ An. Sau khi hai vợ chồng tranh chấp việc khai sinh cho cháu ở TP. HCM hay ở Nghệ An thì em đã nhượng bộ và chiều ý chồng cho cháu khai sinh ở Nghệ An.

TIN BÀI KHÁC

Bố mẹ chồng đã cầm giấy chứng sinh, giấy kết hôn và các giấy tờ có liên quan khác để lên xã làm khai sinh cho cháu nhưng xã không đồng ý vì khai sinh cho trẻ phải theo mẹ chứ không phải theo ông bà. Ông bà nói sẽ làm giấy để ông bà được quyền nuôi dưỡng cháu nên phải cho cháu theo ông bà.

Cho em hỏi nếu để làm theo ý ông bà thì sau này có tranh chấp con cái trẻ vẫn được xử theo mẹ hay theo người đỡ đầu, người nuôi dưỡng theo như giấy tờ. Việc để ông bà làm giấy nuôi dưỡng cháu để tiện khai sinh, hộ khẩu cho bé học sau này có ảnh hưởng bất lợi gì cho mẹ về mặt pháp lý không?

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Điều 13 Nghị định 158/2005/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 06/2012/NĐ-CP) quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh như sau:

“Điều 13. Thẩm quyền đăng ký khai sinh

1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.

2. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.

3. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.”

Vấn đề này được hướng dẫn cụ thể tại Điểm a Mục 1 Phần II Thông tư 01/2008/TT-BTP quy định:

“a) Thẩm quyền đăng ký khai sinh theo nơi người mẹ cư trú

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 và Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em phải được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã), nơi người mẹ đăng ký thường trú; trường hợp người mẹ không có nơi đăng ký thường trú, thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú.

Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Như vậy, trong trường hợp trên, nếu bạn có đăng ký thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng thực tế đang sinh sống tại Nghệ An và có đăng ký tạm trú tại Nghệ An thì UBND cấp xã nơi bạn đang sinh sống thực tế có thẩm quyền đăng ký khai sinh.

Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.” . Mặt khác, Điều 61 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:

« Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:

1. Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;

2. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ. »

Như vậy, trong trường hợp cha và mẹ còn sống, không bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự và có điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái thì cha mẹ được xác định là người giám hộ đương nhiên của con. Ông, bà chỉ được xác định là người giám hộ của cháu khi không có cha, mẹ, anh ruột, chị ruột hoặc cha, mẹ, anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)