- Có một nơi tụ hội rất nhiều tình yêu khiến đời sau cảm động, tình yêu của những người lành lặn với thương binh nặng. Đó là Khu điều dưỡng ở xã Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh, với 27 gia đình... Trong đó, 24 gia đình có người chồng mất sức lao động từ 81% trở lên, còn vợ là nhân viên của khu điều dưỡng. 3 gia đình còn lại thì cả chồng và vợ đều bị thương nặng.

Những chuyện tình như cổ tích ở làng thương binh
1. Ban đầu phải kể đến đôi vợ chồng ông Hoàng Văn Uyên và bà Trần Thị  Hồng. Nghe những cặp vợ chồng kể, tôi không khỏi rơm rớm nước mắt. Họ là những tấm gương về tình yêu không vụ lợi.

Ngôi nhà tập thể của bà Hồng đầy huân chương kháng chiến, và cả những bằng khen của các lần đoạt giải giọng hát hay. Bà Hồng kể chuyện cuộc đời của mình: “Tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê Hương Sơn, còn ông ấy ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Tôi đi thanh niên xung phong nhập vào Binh đoàn 12, làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Năm 1968, tôi bị thương và ngất đi. Tỉnh lại thấy mình cụt mất 2 tay. Lúc đó, tôi và ông Uyên đã yêu nhau. Định không báo tin cho ông ở chiến trường B, chỉ mong người ấy quên mình đi. Thế nhưng Uyên của tôi vẫn lặn lội đến tận đoàn an dưỡng tìm”.

Ông Uyên nói rằng mình không thể bỏ bạn. Vì cô ấy đã là một phần đời của mình. Dù chiến tranh khốc liệt và chưa biết đến ngày nào thống nhất đất nước, hai người  đã quyết định cưới nhau giữa chiến trường. Năm 1970, bà Hồng về khu điều dưỡng này. Ông Uyên dính bom gần, chịu sức ép, bị nặng tai nên xin ra quân và chuyển công tác về khu điều dưỡng để tiện chăm sóc vợ, sinh con.

Giờ cả hai con trai của ông bà đã trưởng thành. Anh lớn tốt nghiệp ĐH Sư phạm, hiện là giáo viên Toán của một trường chuyên Bắc Ninh, cậu thứ hai tốt nghiệp ĐH Giao thông vận tải. Tình yêu của họ trải qua sự khốc liệt của chiến tranh, sự vất vả của cuộc sống thường nhật, vẫn vẹn nguyên như ngày mới yêu. Hằng ngày ông Uyên vẫn tự tay chải tóc, tắm rửa, thay quần áo và bón từng thìa cơm cho vợ. Bà Hồng chia sẻ: “Tôi là người hạnh phúc vì còn được có chồng và con. Nhiều người bạn của tôi đã không thể trở về…”

2. Nói về tình yêu cảm động không thể không nhắc đến đôi vợ chồng ông Nguyễn Văn Yểng và bà Nguyễn Thị Lịch. Ông Yểng quê Mỹ Đức (Hà Tây cũ), nhập ngũ năm 1961. Tháng 4-1969, trong một lần hành quân cùng đơn vị ở chiến trường B3 ông bị thương do bom bi và được đưa về điều trị ở Đoàn an dưỡng 225 (Hà Bắc). Ông trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nhưng vẫn không lấy được viên bi trong cột sống. Tháng 6 năm 1976, ông được đưa về Khu điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành, gắn bó đến giờ.
Tại đây chàng thương binh quê lụa gặp cô hộ lý người Ninh Xá dịu dàng. Yểng đau yếu liên miên, cũng lo sợ chẳng ai lấy. Thế rồi chàng thương  binh gặp cô hộ lý Nguyễn Thị Lịch. Qua mấy lần chuyện trò, cảm mến, ngày đó cũng vì chàng thương binh đẹp trai mà Lịch xiêu lòng. Họ dành tình cảm cho nhau, nhưng chàng thương binh lo sợ người yêu vì mình sẽ khổ... Nhưng chàng thương binh không thể từ chối tình yêu chân thành của cô hộ lý.

Vượt qua mặc cảm đó lại gặp sự ngăn trở của gia đình người yêu. Gia đình Lịch nằng nặc ngăn cản con gái vì như vậy là trao thân cho một người tàn phế. Họ lo sợ bị như vậy không có khả năng sinh con, sợ con gái vất vả. Rồi họ cũng vượt qua tất cả vì sự quyết tâm và tình yêu của người con gái. Năm 1977, Khu điều dưỡng đứng ra tổ chức đám cưới. Hai đứa con, một trai một gái lần lượt ra đời.

Cưới xong, hai vợ chồng phải đối mặt với khó khăn. Bà Lịch phải vận động tìm thêm nguồn sống. Ngày nghỉ bà đạp xe lên Hà Nội lấy hàng về bán. Sau thấy chẳng thay đổi được gì, bà đi học cách mổ lợn. Chiều hôm trước đi mua lợn, 3 giờ sáng hôm sau dậy một mình mổ lợn và pha thịt sẵn cho chồng bán trước cửa khu điều dưỡng rồi đi làm. Lúc đó, ông Yểng trở dậy ngồi xe lăn, nói chuyện với vợ cho vui vẻ, lòng rưng rưng cảm động.

Cứ vậy dù nắng mưa sấm chớp, chàng thương binh cặm cụi ngồi trên xe lăn bán thịt. Trả ơn ông bà là hai đứa con đều chăm ngoan học giỏi, thi đỗ vào đại học. Những đồng tiền thẫm đẫm mồ hôi đã được đền đáp. Hai con tốt nghiệp ra trường, xin được việc làm. Bà Lịch đã nghỉ luôn việc thịt lợn để có nhiều thời gian chăm sóc chồng hơn. Anh Nguyễn Văn Hoàn, con trai ông bà đã lập gia đình riêng có hai con và mỗi tháng lại đưa về chơi với ông bà nội hai ngày. Nói về bố mẹ mình, anh xúc động: “Tôi không tìm thấy tình yêu nào mạnh mẽ hơn tình yêu của bố mẹ tôi và các cô chú ở trung tâm này. Tình yêu và công lao của bố mẹ là niềm động viên, khích lệ cho vợ chồng, con cái tôi. Điều đó cũng dạy cho tôi phải sống nhân nghĩa, thủy chung”. Cô con dâu thì nói: “Bố mẹ chồng tôi thật tuyệt vời!”

3. Nói về tình yêu vượt qua thử thách và rào cản, đó là tình yêu của “tín hiệu ban đầu” giữa ông Lại Cao Cử và  và Nguyễn Thị Kim Phương. Bà Phương đi học ở Sài Gòn, có về trung tâm thực tập, làm vật lý trị liệu giúp anh em thương binh. Chàng Cử ngày đó bị thương nặng ở lưng, chỉ nằm một chỗ. Sau này trở lại làm việc, cô điều dưỡng viên trẻ Kim Phương đã dớn dác tìm Cử, người mà trước đó mình đã chăm sóc. Kim Phương lúc đó là con của gia đình gia giáo, bố là Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Lao động thương binh và xã hội.

Thế nhưng, Kim Phương đã yêu thương lấy cuộc đời đó, để làm nên mái ấm bây giờ. Ông Cử nói về vợ mình: “Năm 1983 chúng tôi cưới nhau, bà ấy đã cho tôi hạnh phúc. Những ngày đau nhức, bà ấy tận tình chăm lo. Ngày cưới nhau xong cũng nấu rượu, nuôi lợn. Tôi đau lưng không bưng  bê nặng được, nấu cám thì dùng gáo múc nước, cho lợn ăn thì múc ra chậu được đặt trên chiếc lốp ôtô rồi kéo vào cho lợn ăn. Năm 1994 thì chúng tôi nghỉ làm”...

Gần 40 năm trôi qua, làng thương binh đã xuất hiện thế hệ thứ hai, thứ ba. Những đôi vợ chồng, những người thương binh đã coi đây là ngôi làng quen thuộc của mình. Bao nhiêu năm tháng họ đã chiến đấu, chịu đựng gian khổ, để lại phần máu thịt của mình ở chiến trường. Giờ về lại cộng đồng, cuộc sống, họ vẫn sống xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ, là những người nhân nghĩa, làm nên những bông hoa đẹp, những mùa  hoa đẹp. Họ thật đáng khâm phục.

Theo Pháp luật Việt Nam