- Lúc mới sinh khi bố mẹ đăng kí khai sinh cho em, do nói ngọng nên tên em cũng bị cán bộ viết sai. Tên đầy đủ của em là Đỗ Thùy Chang nhưng thật ra phải là Đỗ Thùy Trang. Em có thể đi đổi lại tên được không? Việc này em tự làm một mình hay cần phải bố mẹ đi giúp. Em mới 16 tuổi, đang học lớp 11. Em chưa làm chứng minh thư nên muốn lần này đổi tên rồi làm luôn một thể.

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Em có thể tự đi làm thủ tục thay đổi họ tên? (Ảnh minh họa)

Nội dung bạn đọc Đỗ Thùy Chang hỏi, Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2005, Điều 27. Quyền thay đổi họ, tên 

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

Căn cứ theo quy định trên, bạn có quyền yêu cầu thay đổi tên khi việc sử dụng họ tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, danh dự, quyền lợi ích hợp pháp của người đó.

Việc thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự là một trong những việc thuộc phạm  vi thay đổi, cải chính hộ tịch được quy định tại điều 36 Nghị định 158/2005.

“Điều 36. Phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch.

Phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch theo quy định tại Mục này bao gồm:

1. Thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Cải chính những nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký.”

“Điều 37. Thẩm quyền thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi."

"Điều 38. Thủ tục đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch

1. Người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch.

Đối với trường hợp xác định lại giới tính, thì văn bản kết luận của tổ chức y tế đã tiến hành can thiệp để xác định lại giới tính là căn cứ cho việc xác định lại giới tính.

Việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch cho người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ.”

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 thì “Điều 18. Người thành niên, người chưa thành niên: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên.”

Căn cứ theo quy định trên, bạn chưa đủ 18 tuổi nên việc thay đổi, cải chính hộ tịch được thực hiện theo yêu cầu của cha mẹ hoặc người giám hộ. Bố mẹ bạn liên hệ với Phòng tư pháp Ủy ban nhân dân cấp huyện để được hướng dẫn thủ tục thực hiện.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc