- Tháng 3 năm 2012 tôi có cho người quen vay 400 triệu đồng trong thời gian 2 năm, lãi suất chỉ có 5%/năm. Giấy tờ gồm có: giấy vay nợ, giấy thế chấp mảnh đất rộng 50m2 ngoài mặt đường và bản vẽ mảnh đất, trên đó có đầy đủ chữ kí của hai bên và có xác nhận của UBND phường chứng nhận về việc vay tài sản này. Hạn phải trả nợ là ngày 20/3/2014. Thế nhưng đến nay đã hơn 1 năm, anh ta mới chỉ trả được cho tôi được 20 triệu đồng tiền lãi. Tôi và gia đình đi đòi thì anh ta trốn tránh không chịu gặp, thậm chí còn có dấu hiệu muốn ra nước ngoài trốn (anh này có con trai bên nước ngoài bảo lãnh). Tôi muốn làm đơn lên tòa án để đòi lại tiền hoặc đòi mảnh đất mà anh ta đã thế chấp có được không? Thủ tục thế nào, mong luật sư giúp đỡ.
TIN BÀI KHÁC
Chỉ vì tin tưởng, tôi cho người quen vay số tiền lớn (Ảnh minh họa) |
Nội dung bạn đọc Nguyễn Yến yenthu1974@gmail.com hỏi, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:
Thứ nhất: Trách nhiệm trả nợ vay.
Khoản 1, khoản 5 Điều 474 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
Điều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay.
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”
Trường hợp của bạn là hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi, nên theo quy định trên, người vay tài sản có nghĩa vụ trả đủ tiền khi đến hạn, trường hợp người đó trả không đầy đủ thì còn phải có trách nhiệm trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Nếu người đó không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn thì bạn có thể khởi kiện người đó ra tòa để yêu cầu giải quyết tranh chấp trên.
Tranh chấp của bạn là tranh chấp về hợp đồng cho vay tài sản nên sẽ được giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại khoản 3 điều 25 và điểm a khoản 1 điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung 2011.
Điều 25. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
“3. Tranh chấp về hợp đồng dân sự.”
Điều 33. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
“1. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;”
Thứ hai: Về hồ sơ khởi kiện, bạn cần chuẩn bị những tài liệu sau.
- Đơn khởi kiện (Mẫu đơn)
- Các giấy tờ liên quan đến vụ kiện ( giấy tờ sở hữu nhà, đất, hợp đồng cho vay tài sản…)
- Đối với cá nhân: Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản sao có công chứng).
- Bản kê các giấy tờ nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).
Thứ ba: Xử lý tài sản thế chấp là mảnh đất.
Người vay tiền của bạn đã không thực hiện việc trả tiền khi đến hạn trả nợ nên theo quy định trên, bạn có quyền thực hiện xử lý tài sản cầm cố theo phương thức các bên đã thỏa thuận trước đó. Theo quy định tại Điều 721 BLDS 2005 quy định về: Xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp thì bạn sẽ có quyền chuyển quyền sử dụng đất của mảnh đất thế chấp nếu như trong hợp đồng vay thế chấp ban đầu có thỏa thuận rằng khi hợp đồng này chấm dứt nếu như bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền sở hữu đối với tài sản thế chấp là mảnh đất đó. Còn nếu như 2 bên không có thỏa thuận về việc xử lý tài sản thế chấp khi bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ như trên thì bên nhận thế chấp có quyền kiện ra tòa án về việc không trả nợ cho mình của người vay.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc