- Tôi là nam 30 tuổi, có công việc ổn định, thu nhập tốt. Tôi thấy mình có vấn đề về giới tính. Tôi vẫn giấu kín điều này. Tôi không thích gần phụ nữ, nhưng tôi cũng không dám gần nam giới. Tôi chỉ âm thầm thích nam giới thôi, không dám bộc lộ bản thân.

Tôi thấy ngày nay có rất nhiều chị em phụ nữ sinh con một mình mà không cần chồng. Vậy tôi có thể dùng “nguồn vốn” của mình để nhờ sinh con được không? Tôi không muốn ràng buộc với bất kỳ người phụ nữ nào. Tôi nghe nói chỉ chị em họ mới được mang thai hộ. Vậy tôi có thể làm cách nào để đạt được nguyện vọng của mình?

Luật sư Nguyễn Thành Công trả lời: Vấn đề của bạn là rất tế nhị và nhạy cảm cả trong câu chuyện riêng lẫn ứng xử xã hội cho phù hợp là điều không dễ dàng. Ý kiến cá nhân tôi, “câu chuyện” của bạn là bất thường so với chuẩn mực thông thường. Tuy nhiên thực tế là có tình trạng ấy ở một bộ phận dân chúng. Lẽ ra phải có “cơ chế” để xử lý các trường hợp tương tự nhưng cho đến nay, dù nhiều lần sửa đổi nhưng pháp luật nước ta vẫn giới hạn trong chừng mực bởi có rất nhiều sự ràng buộc khác nhau mà chưa thể đáp ứng hoàn toàn mong muốn của bạn. Trong giới hạn đó, tôi trả lời thuần túy theo pháp luật hiện hành của nước ta như sau :

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (Luật HNGĐ) thì hiện nay chỉ có duy nhất một hình thức mang thai hộ được pháp luật thừa nhận và cho phép đó là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Căn cứ theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật HNGĐ thì “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.”

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 95 Luật HNGĐ, cụ thể:

1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

b) Vợ chồng đang không có con chung;

c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Việc “ngày nay có rất nhiều chị em phụ nữ sinh con một mình mà không cần chồng” đã được pháp luật thừa nhận, theo đó “phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa” (Khoản 1 Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo).

Trường hợp bạn còn độc thân và muốn dùng “nguồn vốn” của mình để nhờ sinh con và không muốn ràng buộc với bất kỳ người phụ nữ nào không phải là việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo do đó không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Nếu bạn vẫn muốn có con mà không phải ràng buộc với bất kỳ người phụ nữ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý trong tương lai.

Trân trọng!

Ls.Nguyễn Thành Công- Công ty Đông Phương Luật, ĐLS TP.HCM

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc