- Tôi có cho một người quen vay hơn 200 triệu, giấy tờ chứng nhận đầy đủ. Anh ta hứa sau một năm sẽ trả lại tôi đủ tiền, tôi không lấy lãi gì cả. Thế nhưng đã quá hạn trả nợ gần một năm mà tôi vẫn chưa nhận được một đồng nào. Hơn nữa còn không liên lạc được với anh ta, đến tận nhà tìm cũng không thấy. Hàng xóm nói anh này đã không ở nhà này hơn một tháng, tức là có dấu hiệu trốn nợ của tôi. Vậy tôi có thể đòi lại tiền thế nào? Có cách nào đòi theo đúng pháp luật? Tôi có thể khởi kiện anh ta tội chiếm đoạt tài sản được không?

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Tôi có thể khởi kiện anh ta tội chiếm đoạt tài sản không? (Ảnh minh họa)

Trường hợp của bạn là cho vay tài sản với hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn và không có lãi. Nên theo quy định tại koản 1 điều 474 Bộ luật dân sự 2005 thì: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Việc giải quyết trường hợp của bạn có hai trường hợp có thể xảy ra như sau:

Thứ nhất: Về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì người quen của bạn đã vay bạn số tiền gốc là 200 triệu đồng hứa trả sau 01 năm tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, người bạn đó chưa trả được số tiền vay gốc. Hiện nay người bạn đó đã không ở nơi cư trú một tháng. Theo quy định trên tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 thì hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Chỉ các trường hợp người nhận được tài sản đã sử dụng tài sản đó vào “mục đích bất hợp pháp”, như: buôn lậu, đánh bạc,… dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, mới bị coi là phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong thực tiễn, một người sau khi vay, mượn, thuê tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn, nhưng để chứng minh họ có bỏ trốn, nhằm chiếm đoạt tài sản hay không thì mới cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Nếu có căn cứ  bạn có thể làm đơn tố cáo với cơ quan công an về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 1 điều 140 Bộ luật hình sự 2004, Sửa đổi, bổ sung 2009. Đối với trường hợp này, bạn cần xác định rõ việc người này rời khỏi nơi cư trú có thực sự là hành vi trốn tránh để nhằm chiếm đoạt tài sản hay không.

Thứ hai: Khởi kiện dân sự để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Nếu trường hợp người này rời khỏi nơi cư trú nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì người này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Khi đó, bạn có thể khởi kiện dân sự ra Tòa án để yêu cầu  thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Bạn nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú của bị đơn (bên vay), hồ sơ gồm đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo để Tòa án tiến hành thụ lý vụ án theo quy. Việc nộp hồ sơ khởi kiện có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc