- Con trai tôi bị một người hành hung dẫn đến thương tật nặng. Tòa án đã yêu cầu người đó phải bồi thường cho gia đình tôi 70 triệu đồng và chịu mức án 4 năm tù giam. Từ lúc người đó đi tù cho đến nay ra tù vẫn chưa bồi thường cho gia đình. Xin luật sư cho biết làm thế nào để gia đình tôi đòi được tiền bồi thường? Người đó không chịu thi hành án dân sự như vậy thì có vi phạm pháp luật không? Có bị xử phạt không? Nếu gia đình người đó không có tài sản để đền bù cho gia đình tôi thì làm thế nào?
TIN BÀI KHÁC
Người đó đã ra tù nhưng vẫn không chịu bồi thường cho gia đình tôi (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất, trường hợp người đó không chịu tự nguyện thi hành án:
Bạn có thể yêu cầu cưỡng chế thi hành án trong thời hạn thi hành án. Khoản 1 điều 30 luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định: “1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.”
Theo thông tin bạn cung cấp thì bản án trên chưa quá 5 năm, nên theo quy định trên bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án đối với người đó để giải quyết vấn đề trong trường hợp này.
Thứ hai, đối với trường hợp người đó không có tài sản để bù đắp cho gia đình bạn thì việc thi hành án không thể thực hiện được.
Khi người đó có điều kiện thi hành thì bạn có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định, tuy nhiên chỉ trong thời hạn thi hành án theo quy định tại khoản 1 điều 30 ở trên, kể từ ngày phát hiện người đó có điều kiện thi hành án theo quy định tại điều 51 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014:
“1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:
a) Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án;
b) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình;
c) Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án;
d) Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thoả thuận khác.
2. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này, kể từ ngày phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành.”
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc