- Bố mẹ chồng tôi trước khi mất đã để lại di chúc, chia đều toàn bộ tài sản cho 5 người con. Nhưng các anh chị trong nhà chỉ bán nhà và chia cho vợ chồng tôi, còn ba xe ô tô cho người khác thuê phát sinh lãi hàng tháng, hàng chục cây vàng họ bàn nhau đem chia đều, chồng tôi không được hưởng, chỉ vì chồng tôi là con út, lại là con nuôi (ông bà nhận nuôi trong chùa làm phước). Xin hỏi chồng tôi có được hưởng những thứ kia không? Nếu muốn đòi thì chúng tôi làm thế nào? Xe ô tô cho thuê có tiền lãi hàng tháng thì chia cho các con ra sao? Cảm ơn luật sư.
TIN BÀI KHÁC
Chồng tôi không được chia lợi tức phát sinh từ tài sản bố mẹ (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Điều kiện di chúc có hiệu lực.
Theo quy định tại Điều 646 Bộ luật dân sự thì: "Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết".
Như vậy, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân người để lại tài sản cho người khác trước khi chết. Một di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 652 BLDS như sau:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;
- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Di chúc do bố mẹ chồng bạn để lại được coi là hợp pháp khi đáp ứng được các điều kiện nêu trên.
- Về hình thức của di chúc: Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng (Điều 649 BLDS 2005)
1. Di chúc bằng văn bản bao gồm: (Điều 650 BLDS 2005)
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Người lập di chúc phải tự viết tay và ký vào bản di chúc. (Điều 655)
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào di chúc trước mặt những người làm chứng, những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc (Điều 656)
- Di chúc bằng văn bản có công chứng:
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Di chúc bằng văn bản phải bảo đảm các nội dung theo Điều 653 BLDS 2005.
Thứ hai: Di chúc chung vợ chồng có hiệu lực khi:
Điều 663 BLDS 2005 qui định: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Theo đó, nội dung và mục đích của di chúc chung là để định đoạt tài sản chung của vợ, chồng. Điều 668 BLDS 2005 qui định: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”.
Nếu di chúc chung của bố mẹ chồng bạn tuân thủ các quy định pháp luật và là di chúc hợp pháp thì việc phân chia di sản thừa kế sẽ theo nội dung di chúc. Theo quy định tại khoản 1 Điều 684 Bộ luật dân sự 2005 thì “Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc…”, mà chồng bạn là con nuôi vẫn được hưởng phần thừa kế của mình hợp pháp, kể cả phần lợi tức phát sinh từ việc cho thuê xe ô tô. Nếu có tranh chấp phần di sản được thừa kế hợp pháp của mình thì có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án về phân chia di sản thừa kế khi chưa hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm (Điều 645 BLDS) hoặc các đồng thừa kế đều công nhận là cùng hàng thừa kế và di sản chung chưa chia.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc