Tôi có một đứa cháu nhỏ 9 tuổi bị bệnh HIV. Tôi làm nhiệm vụ chăm sóc cháu hằng ngày. Cháu nhiễm HIV và có bị lở loét trên người. Thỉnh thoảng tôi thấy quần áo cháu có dính máu khô.
Xin hỏi khi giặt quần áo cho người có bệnh HIV có cần thiết phải đeo găng tay? Làm thế nào để không bị lây nhiễm HIV khi chăm sóc cháu? (Câu hỏi của Bà Nguyễn Thị Linh).
Tư vấn viên chia sẻ:
Trước hết, HIV là một virut khó tiêu diệt trong cơ thể. Hiện nay vẫn chưa có phương thuốc nào đặc trị virut HIV. Tuy nhiên HIV là một virut yếu trong môi trường. Virut HIV sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 45 độ C, cồn 70 độ, hay các chất tẩy và khử trùng.
Ảnh minh họa |
Với trường hợp của bạn, bạn cần chăm sóc cháu và hướng dẫn cháu tự biết giữ vệ sinh thân thể, tránh các bệnh ngoài da và các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Trẻ em thường hiếu động và ít vệ sinh, nên hay bị trầy xước, hoặc các vết loét trên da. Bạn nên dùng bông tẩm oxi già hoặc cồn y tế để sát trùng các vết thương hở, vết loét và nên băng kín để tránh bị nhiễm trùng. Người nhiễm HIV cũng dễ bị nhiễm các bệnh nhiễm trùng cơ hội, đặc biệt là các bệnh ngoài da, nên bạn cũng nên chú ý chăm sóc vệ sinh cơ thể của cháu, và tránh các bệnh lây nhiễm qua da, tránh mặc chung quần áo, đặc biệt là quần áo lót.
Các vết máu khô trên quần áo, thường không còn virut HIV tồn tại do HIV là vi rút yếu trong môi trường. Khi giặt quần áo với xà phòng, thì lượng virut HIV có thể tồn tại còn quá ít để có thể lây nhiễm, nên việc sử dụng găng tay khi giặt quần áo là không cần thiết.
Với người nhiễm HIV, đôi khi bệnh tật không đáng sợ bằng sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. Với nhiều gia đình có người nhiễm HIV, việc sử dụng găng tay, găng nilon khi giặt quần áo, tắm táp, chăm sóc có thể kiến người nhiễm HIV cảm thấy bị kỳ thị, dẫn đến mặc cảm về tâm lý cho người có HIV. Vì vậy, chúng tôi mong bạn và gia đình sẽ chú ý hơn về hành động khi chăm sóc cháu, và luôn mong cháu khỏe mạnh.
Hữu Tùng - Tư vấn viên - nhóm tư vấn thanh niên Thành phố Hà Nội Dự án phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho thanh niên.
Gặp phải các tình huống tâm lý khó xử trong cuộc sống, bạn đọc có thể gửi thư về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn chúng tôi sẽ liên hệ với các chuyên gia tâm lý để chia sẻ cùng bạn.