Đua đòi, tiêm chích ma túy, rồi nhiễm HIV, cuộc đời của người đàn ông ấy tưởng chừng đóng chặt vĩnh viễn. Nhưng nhờ tình yêu, anh đang dần hồi sinh…

Tin bài cùng chuyên mục:

Trong căn nhà nhỏ ở quận Long Biên, Hà Nội, vợ chồng anh Bùi Trần Hoàng và chị Trần Thị Hằng đang sống những ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc dù cả hai cùng mang “án tử”. Anh Hoàng bảo: Chỉ vì thích “đú”, tôi nghiện ma túy lúc nào không hay, đến khi mang trong mình virus HIV, tôi mới bừng tỉnh, quay lại với thực tế thì bị mọi người khinh ghét, kì thị. Chán nản, tôi càng lao vào ma túy, sống buông thả hơn. Tưởng rằng cuộc sống của tôi mãi một màu đen tối như thế. Nhưng khi gặp Hằng, cô ấy đã giúp tôi hồi sinh, khao khát được sống, khao khát có một gia đình, mà ở đó có vợ chồng, con cái…

Quá khứ oai hùng ám ảnh những tháng năm

Bùi Trần Hoàng sinh năm 1975, trong một gia đình bố mẹ đều là công chức nhà nước mẫn cán. Ngay từ nhỏ, Hoàng đã được bố mẹ dạy bảo chu đáo, mong mỏi anh trở thành người có ích cho xã hội. Nhưng ngày nhỏ, anh ngoan ngoãn, chăm học bao nhiêu thì càng lớn, Hoàng càng ương bướng, càng thích đua đòi với chúng bạn hơn.

Anh Hoàng tâm sự về cuộc đời mình...

Năm 1996, chỉ vì thích “khẳng định số má” với chúng bạn, Hoàng đã dùng thử ma túy. “Lần đầu dùng ma túy, tôi thấy cảm giác khó chịu và muốn ói mửa. Thế nhưng sau cơn say thuốc, ý nghĩ muốn khẳng định cái “TÔI”, cũng như phải chinh phục thứ khói thuốc ấy cứ lởn vởn trong đầu buộc tôi tiếp tục thử lần hai. Lần này mọi thứ bỗng trở nên dễ chịu. Ma túy mang cho tôi cảm giác lâng lâng, hưng phấn, yêu đời, tinh thần thoải mái. Song cảm giác ấy cũng chẳng được bao lâu thì nhường chỗ cho tinh thần sa sút, cơ thế yếu dần và phải tăng liều…”, Hoàng cắn nghiền môi mình kể.

Nhấp ngụm nước, Hoàng nhìn xa xăm nói: Đầu tiên tôi chỉ nghĩ thử một lần rồi thôi, không ngờ ma túy lại theo tôi dai dẳng và để lại hậu quả nặng nề đến thế. Ngày ấy chỉ vì thích “oai”, thích được mọi người tung hô, sợ hãi, cũng như “chơi đồ thời thượng, hợp mốt”, tôi quên hết nghĩa vụ, quên hết gia đình, lao vào ma túy và các cuộc chơi như một con thiêu thân…

Chỉ hai năm sau những lần hút chích, cuốn mình vào cơn mê của ả phù dung, những đêm thác loạn cùng chúng bạn trong Bar, Hoàng choáng váng khi bác sĩ thông báo: “dương tính với HIV”. “Lao theo các cuộc chơi, tôi không chỉ mất lòng tin với người thân, bạn bè, tương lai của tôi cũng chỉ là một màu đen tối. Năm 1998, tôi bắt đầu thấy đau bụng, người sốt cao, chán ăn, đi kiểm tra, xét nghiệm, tôi ngất lịm khi nghe tin mình bị nhiễm HIV. Cái tin tôi mắc “án tử” nhanh chóng lan truyền khắp mọi nơi. Tôi thực sự bị suy sụp khi phải nhìn những ánh mắt xa lánh, miệt thị của mọi người. Mà trách làm sao được họ chứ, đó cũng là hậu quả bởi lối sống buông thả của tôi thôi…”, Hoàng hốt hoảng nhớ lại.

Không chỉ mất niềm tin, bị người ngoài kỳ thị, mà chính trong gia đình anh, vì mọi người không hiểu rõ quy trình lây nhiễm HIV thế nào nên cũng tỏ vẻ ái ngại: “Có lần nhờ mẹ giặt một cái quần, mẹ gật đầu nhưng lại chạy đi tìm bao tay. Hay lần khác, khi thấy đứa cháu nằm trên giường, chân đạp đạp, Hoàng thích lắm, muốn bế cháu nhưng mẹ không cho. Mẹ tôi bảo da trẻ con rất mẫn cảm, chẳng may xước một tí thì khổ nó cả đời…”, Hoàng lặng im hồi lâu, đôi mắt anh ướt ướt. Tôi biết rằng, trong thẳm sâu tâm can, Hoàng biết mẹ không muốn thế nhưng thời điểm ấy, chẳng ai biết “cái con H” nó lây như thế nào. Chính Hoàng cũng mơ hồ, không biết, bệnh rồi sẽ đi đâu, về đâu. Liệu anh có lây bệnh cho người thân không?

Đau khổ, cay đắng và những bất an cho số phận, Hoàng lao như một con thiêu thân đi tìm thuốc hút, hút để quên quá khứ huy hoàng và hiện tại của số phận với cái chết đang đến gần.

Rồi anh bị bắt đi cai nghiện, hôm ấy mẹ anh đã khóc. Bà hy vọng vào trại con trai sẽ được trở lại làm “người”. Nhưng tất cả không như bà muốn. Vào trại cai nghiện, ra trại gặp vài thằng bạn cũ, tái nghiện. Lại bị bắt, lại cai, lại tái nghiện... Liên tục như vậy ba bốn lần, Hoàng thấy “nẻo về” mơ màng lắm. Lần bị bắt sau cùng, với tiền sử 3 lần ra vào trại, anh bị buộc phải đi cai nghiện 24 tháng và 24 tháng sau cai. Tuy nhiên, thời gian này CD4 (sức đề kháng) của anh chỉ dưới 100 nên tạm thời được ở nhà điều trị.

Gần một năm vật vã bỏ thuốc, sức đề kháng cũng khá lên. Anh trở lại với cuộc sống thường nhật và chuẩn bị đi trả án. Lúc này anh vô cùng buồn chán. Và Hằng đã xuất hiện. Có thể nói Hằng là liều thuốc thần dược để kéo anh trở lại cuộc sống này. Hằng còn hơn cả loại ma túy đã ăn sâu vào máu thịt Hoàng suốt hơn 10 năm qua.

Chuyện tình hai người có "H"

Hằng sinh ra trong gia đình nghèo khó ở Bắc Ninh, cô cũng nhiễm HIV, và cũng có hoàn cảnh hết sức bi kịch. 20 tuổi Hằng lấy chồng, có lẽ đó là khoảng thời gian hạnh phúc ngọt ngào của chị. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi đúng lúc cô mang thai, hạnh phúc được làm mẹ chưa kịp lan tỏa thì nhận tin chồng nhiễm HIV. Có nằm mơ Hằng cũng không đủ can đảm để tưởng tượng, người chồng của cô nhiễm H và truyền cho vợ. Trời đất như quay cuồng trước mặt, Hằng bật khóc tức tưởi trước khi lên bàn đẻ.

“Tôi đã từng trải qua cảm giác đau đớn khi nhận được “án tử” nên càng thấm thía hơn cho nỗi đau của Hằng. Còn nỗi đau nào hơn khi biết con và mình “bỗng dưng lĩnh án tử”, cái chết thì được đếm từng ngày và không biết bao giờ bị “hành quyết”, Hoàng tâm sự.

Trong một lần trò chuyện với Hoàng về cái ngày định mệnh ấy, Hằng bảo “khi đưa con ra khỏi bệnh viện, em không thể khóc được nữa bởi con cũng nhiễm rồi, nhìn đứa con đỏ hỏn trên tay mình thấy đau lòng quá, giá như chỉ mình em bị thôi…”, nghe Hằng nói thế, Hoàng thương vô cùng. Với người phụ nữ, chẳng có nỗi đau nào lớn hơn khi đứa con mình vừa sinh ra đã phải mang cái “án tử”. Dù rất căm giận chồng nhưng Hằng vẫn chăm sóc người đàn ông ấy hết mình. Mấy tháng sau thì Hằng chị qua đời.

Nước mắt chưa kịp lau, một tháng sau Hằng phải gạt nước mắt khi con cũng bỏ chị mà đi. Bi kịch nối tiếp bi kịch, đau đớn kéo thêm đau đớn. Hằng suy sụp hoàn toàn, chị sống vật vờ như một cái bóng suốt mấy năm trời, không trò chuyện với ai, càng ngày càng u uất.

Nhưng đến một ngày, Hằng lên Hà Nội vào sinh hoạt ở CLB “vì ngày mai tươi sáng”. Mỗi ngày, nhìn cô gái với đôi mắt thất vọng tràn trề, lòng Hoàng tái tê. Tình thương ngày một lớn. Hoàng thường đến hỏi chuyện. Dần dần, Hằng chia sẻ cởi mở hơn. Sau một thời gian, tình cảm đã nhen lên cũng là lúc Hằng phát hiện Hoàng nghiện ma túy và chuẩn bị đi trả án tiếp.

Khi Hoàng đi trại, Hằng thường một mình lên trại cai nghiện thăm anh. Số tiền lương 7 trăm nghìn không đủ để chi tiêu cho một lần đi bởi tất cả đồ dùng muốn đưa cho Hoàng, đều phải mua tại căng tin, giá cả rất đắt đỏ. “Mỗi khi nhìn thấy Hằng, mình không cầm được nước mắt, mình từng nghĩ cứ trả án xong, sinh hoạt ở ngôi nhà ngày mai tươi sáng cho đến cuối đời, vẫn hút chích như thuở xưa. Nhưng Hằng đến, khuyên nhủ mình rất nhiều. Giúp đỡ nhiều. Cuối cùng, mình đã chọn lựa cô ấy thay vì tiếp tục dùng ma túy…”, Hoàng vui vẻ kể.

Vượt qua thử thách

Họ đến với nhau, tình cảm tự nhiên lắm. Sau nhiều ngày ấp ủ, nhiều đêm mất ngủ, cuối cùng Hoàng đã mạnh dạn đặt vấn đề với Hằng: “Em đồng ý lấy anh nhé”. Hằng lưỡng lự rất lâu, nước mắt lăn dài, chị khe khẽ gật đầu. “Dù biết Hằng có tình cảm với mình, nhưng trước khi đặt vấn đề tôi cứ đắn đo mãi, bởi nghĩ “mình còn không lo được cho mình, lo làm sao được người khác”. Nhưng là con người, tôi cũng khao khát tình yêu, khao khát cuộc sống gia đình, mặt khác muốn thay đổi mình nên tôi quyết định phải nói. Từ khi Hằng nhận lời lấy tôi, tôi đã quyết tâm cải tạo thật tốt để ra trại…”, Hoàng nói trong niềm hạnh phúc.

Hôm về ra mắt nhà Hằng, gia đình cô ấy rất vui. Mẹ Hằng bảo “lâu lắm mới thấy con gái bác cười, tất cả là nhờ cháu”, nghe xong câu ấy, Hoàng vui lắm. Anh tin rằng gia đình mình cũng sẽ ủng hộ. Nhưng, anh đã nhầm. Mẹ anh đã kịch liệt phản đối. Vừa tủi thân, vừa thương người con gái bên mình. Anh nắm chặt tay Hằng, bàn tay ấm nóng, khát khao. Anh động viên Hằng: “Không sao đâu em, anh tin bằng tình yêu của chúng mình, mẹ sẽ thay đổi…”. Nghe Hoàng nói vậy, Hằng vội gật đầu, hai người dìu nhau bước những bước chân nặng nhọc ra khỏi nhà.

Tuy nhiên, không gì giải thích được bằng thời gian và hành động. Thấy mẹ phán đối, Hoàng càng chăm đưa bạn gái về nhà. Hằng vào nhặt rau cùng mẹ, nấu cơm, đi chợ… làm tất cả mọi việc, tỉ mỉ, cẩn thận và chu đáo… khuôn mặt lạnh tanh của mẹ Hoàng tiếp Hằng ban đầu được thay đổi dần. Không còn khó tính đăm đăm nữa mà thay vào bằng những câu nói vui, những nụ cười nhẹ nhàng.

Không tin mình có thể sống

Khi được “lấy được lòng mẹ chồng”, thì anh chị lại gặp một “sự cố” mới mà tưởng rằng hai người sẽ mãi mãi lìa xa nhau. Lúc bấy giờ, CD4 của Hằng chỉ còn 46 nên Hằng rất yếu. “Trong thời gian ấy, vì sợ Hằng sẽ bỏ tôi mà đi mãi mãi nên lúc nào tôi cũng bên cạnh Hằng, chăm sóc cho em. Không những thế, tôi luôn cầu nguyện ông trời đừng đưa Hằng của tôi đi mất, bởi nếu thiếu em, tôi không biết sống ra sao”, Hoàng rơm rớm nước mắt. Đưa tay lên lau nước mắt, Hoàng nói tiếp: “Thời gian này, cứ 8 người (có H) vào viện, chỉ 2 người may mắn ở lại, 6 người kia phải trở về cát bụi. chính vì vậy, cứ mỗi sáng mở mắt ra, thấy Hằng không làm sao, chúng tôi lại ôm lấy nhau mà khóc”. Hoàng nói thêm rằng, có nhiều hôm, chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, chứng kiến sự ra đi của người cùng cảnh ngộ, anh và chị hiểu “ngày nào mình còn được nhìn thấy nhau, ngày ấy số phận vẫn đang thương mình”.

Dìu nhau từng giờ, từng phút, và đi qua từng ngày số mệnh. Đây là những ngày đau khổ nhất của hai đứa. Đó là khi anh thấy Hằng không đủ sức để bước vào nhà vệ sinh, “mình đỡ cô ấy trên bồn cầu, chờ từng giây phút … thương đến rơi nước mắt, tự nhủ bằng tất cả tình yêu thương và sự cảm thông, mình phải giữ chặt cô ấy”, những lúc như thế, Hằng đều khóc bởi ngay bản thân chị cũng khó chịu với mùi hôi thối nồng nặc trong cái WC của những bệnh nhân H, huống hồ anh đứng đỡ chị. Có lẽ, cảm thông trước những gì Hoàng làm cho chị, cuối cùng chị ít suy nghĩ hơn, chịu khó ăn uống và điều trị nên sức đề kháng cũng tăng lên.

“Chúng tôi trở về nhà. Hôm đưa Hằng về, mẹ tôi lén lau nước mắt. Tôi biết, bà đã hoàn toàn đồng ý cho chúng tôi đến với nhau”, Hoàng kể.

Hạnh phúc vỡ òa khi hai bên gia đình đã đồng ý cho hai người được tổ chức đám cưới vào ngày 24/2/2008. “Ngay đến tận bây giờ tôi cũng không tin mình có thể có được hạnh phúc sau những tháng năm trượt dài trong nghiện hút, làm khổ gia đình, người thân, trở thành nỗi lo lắng cho xã hội và nhiễm HIV. Tôi sẽ cố gắng thật nhiều để bù lại những lỗi lầm đó, cũng như đáp trả tình cảm của em giành cho tôi...”, Hoàng nói chắc nịch.

Năm 2005, anh vào sinh hoạt ở CLB “Vì ngày mai tươi sáng”, ở đây anh gặp chị Trần Thị Hằng (sinh năm 1979). Nhờ tình yêu của chị, anh thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn.

Hiện nay, anh Hoàng là Đội trưởng đội chăm sóc tại nhà cho người có H. Hoàng bảo rằng những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các bệnh nhân có H giúp anh hiểu hơn về giá trị cuộc sống cũng như sự xa lánh của người đời dành cho họ. Còn chị Hằng là tình nguyện viên mảng dự phòng (tiếp cận các chị em làm việc ở các nhà hàng, các tụ điểm nóng) để bảo tuyên truyền cách bảo vệ mình.

  • Theo Gia đình Việt Nam