- Hiện nay Luật An toàn giao thông đường bộ có điều khoản nào cấm người tham gia giao thông khi tham gia giao thông bằng mô tô gắn máy đi một gương và là gương thời trang (gương thể thao) hay không? Hay là quy định người tham gia giao thông nói trên cần phải lắp hai gương và nhất thiết phải là gương nguyên bản do nhà sản xuất ban đầu đưa ra.
Vì hiện nay ở Hải Phòng có tình trạng người tham gia giao thông bị phạt từ 500-700 nghìn đồng vì lỗi vi phạm trên mà các tỉnh thành khác không hề thấy phạt. Xin trả lời giúp tôi. Tôi xin trân thành cảm ơn.
Ảnh minh họa |
Bạn đọc PH.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số: 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chúng tôi trả lời thắc mắc của bạn như sau:
Theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 53 - Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các phương tiện tham gia giao thông là xe cơ giới phải "có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển". Đồng thời cũng tại khoản 2, Điều 53 quy định: “ Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều này”.
Điều 55 khoản 2 quy định: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”
Theo tiêu chuẩn Việt Nam số hiệu: TCVN - 6770-2001 ban hành kèm theo Quyết định 46/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 27/7/2001 về các yêu cầu cơ bản đối với việc sử dụng gương chiếu hậu lắp trên xe máy 2 bánh được quy định như sau: “Xe gắn máy 2 bánh có vận tốc tối đa theo thiết kế không vượt quá 50km/h phải được gắn ít nhất 1 gương chiếu hậu ở bên trái phương tiện; phương tiện có vận tốc tối đa theo thiết kế vượt quá 50km/h và các phương tiện 3 bánh phải được lắp 2 gương, 1 bên trái, 1 bên phải phương tiện”.
Các yêu cầu đối với gương chiếu hậu:
Về cơ bản, gương chiếu hậu lắp trên phương tiện giao thông đường bộ phải đáp ứng được các yêu cầu chính sau đây:
- Tất cả các gương chiếu hậu đều phải điều chỉnh được một cách dễ dàng quanh cán gương nhưng cũng không quá rung lắc, lỏng lẻo khi xe chuyển động.
- Phải đảm bảo bền khi bị chèn ép hoặc va chạm. Khi bị vỡ thì các mảnh kính văng ra phải hạn chế tối đa việc gây sát thương cho người điều khiển phương tiện cũng như những người khác
- Bề mặt phản xạ của gương phải có hình dạng phẳng hoặc cầu lồi tuỳ theo các loại gương. Diện tích cũng như dạng bề mặt của gương phải giúp cho người lái xe dễ dàng quan sát qua gương phía trước bánh xe, xung quanh xe, phía sau xe cũng như phía sau ở trong xe.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định: 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: "Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng...". Như vậy, nếu xe gắn máy không lắp đủ hai gương, hoặc lắp đủ nhưng thay đổi gương so với thiết kế của nhà xản xuất là sai với quy định của Luật giao thông đường bộ và Tiêu chuẩn Việt Nam. Nhưng căn cứ Nghị định 34/2010/NĐ-CP thì người điều khiển xe gắn máy chỉ bị xử phạt hành chính khi không lắp gương chiếu hậu bên trái phương tiện, hoặc có nhưng gương không có tác dụng hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn của gương chiếu hậu thì bạn vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này. Bạn cần xem lại, có thể mình đã bị mắc nhiều lỗi nên mức mới như vậy đấy?
- Luật sư Hứa Kiên – VPLS Bùi Đình Ứng - Đoàn luật sư TP.Hà Nội: 0913357914.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc, tranh luận về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).