Chị là cô giáo trường làng đã qua một lần đò gặp anh - người lính rời chiến trường với thương tật liệt vĩnh viễn nửa người.Như tìm được một nửa đích thực của mình, tình yêu hồi sinh mãnh liệt, chị cứng cỏi chống lại mọi sự cản ngăn.

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Anh đón nhận luồng gió mới từ chị với sự cảm kích khi biết rằng, người phụ nữ đó đến với mình bằng tình yêu đích thực. Đã 30 năm, 2 mảnh đời gắn lại với nhau trong căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười...

Hai phận người

Xin được mở đầu câu chuyện bằng lời tâm sự của chị Bùi Thị Xuân (SN 1950), về "chuyến đò" đầu tiên của chị. Lấy nhau được 3 năm, cuộc sống của chị Xuân với người chồng trước tuy không giàu sang nhưng cũng êm ả, và họ có một cậu bé dễ thương. Tưởng đã có một mái ấm nhỏ với vợ hiền con ngoan thì người đàn ông ấy đã thay tâm đổi tính.

Khi nghe người ta đồn chồng lăng nhăng, chị không tin. Một buổi chiều rả rích mưa cuối mùa đông năm 1980, được nghỉ dạy về sớm (khi đó chị đang dạy tại trường THCS Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tĩnh Hà Tĩnh), chị đau đớn phát hiện chồng ngoại tình với một người đàn bà khác. Vụn vỡ niềm tin, chị Xuân ôm đứa con trai đầu mới gần 1 tuổi đội mưa về nhà bà ngoại.

Mặc cho người chồng hết sức van xin, ân hận nhưng chị vẫn quyết tâm li hôn bởi như chị bảo, chị không chấp nhận được cảnh người mình đầu gối tay ấp lại ngã vào vòng tay người khác. Chị  hết mực thuỷ chung, và luôn làm tròn nghĩa vụ người vợ, người mẹ đối với gia đình nhỏ của mình.

Khi biết mái nhà  ấy đã lung lay, chị ra đi không ngoảnh lại. Để quên đi nỗi đau đang ứa máu, chị Xuân đã gửi con cho ông bà ngoại và xin phép nhà trường ra thị xã Vinh để tiếp tục học lên, nâng cao nghiệp vụ, cũng là cách để quên đi quá khứ buồn.
  Gia đình hạnh phúc của chị Xuân - anh Hữu
Trong suốt thời gian "ẩn mình" mong làm lành vết thương lòng ở trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, chị đâu biết rằng trong dãy nhà Khu điều dưỡng thương binh nặng đóng gần trường chị có một anh thương binh cũng đang mang trên mình một nỗi đau. Đó là anh Nguyễn Văn Hữu, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1968, lúc vừa tròn 18 tuổi, anh quyết định xếp bút nghiên lên đường cầm súng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Chiến đấu tại các chiến trường được hơn 2 năm thì xảy ra biến cố. Trong một trận phản pháo của địch trên chiến trường ác liệt Quảng Trị, anh Hữu bị gãy 3 đốt sống giữa.

Tháng 7 - 1979, anh thương binh Nguyễn Văn Hữu sau khi giữ lại được mạng sống đã được chuyển về Khu điều dưỡng thương bệnh binh 4 Nghệ An với hạng thương tật 1/4, tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 95% với di chứng nửa người từ vùng bụng trở xuống bị liệt hoàn toàn. Đau đớn hơn khi anh nhận ra mình không còn khả năng thực hiện thiên chức của một người đàn ông.

Hạnh phúc muộn nhưng nồng ấm

Trong một chuyến công tác về Nam Đàn, tác giả bài viết tình cờ được nghe câu chuyện về một cặp vợ chồng, làm xúc động không biết bao người. Lần theo địa chỉ tìm về xóm 3 xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, không khó để hỏi thăm ngôi nhà của vợ chồng chị Bùi Thị Xuân và anh Nguyễn Văn Hữu. Trong căn nhà nhỏ, nằm nép mình giữa những lùm cây xanh, nhà vắng vẻ nhưng lan tỏa một không khí ấm cúng nhẹ nhàng, người phụ nữ nhỏ bé với nước da rám màu thời gian đã bước qua cái ngưỡng nửa đời người đon đả đẩy xe lăn cho chồng đến bàn uống nước tiếp khách.

Như duyên trời se, anh và chị gặp nhau trong những ngày chị dùi mài kinh sử tại trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Hai con người với 2 nỗi đau đang giằng xé trong lòng tưởng rằng đã nguội lạnh, ấy vậy mà khi gặp nhau, hai con tim như được tái sinh thêm một lần nữa, dệt nên một thiên tình sử đẹp đẽ. Trong câu chuyện với tôi, anh Nguyễn Văn Hữu liên tục nhắc đến người vợ, người bạn đời tri kỷ của mình với thái độ trân trọng, yêu thương.

Anh thả cặp mắt vào khoảng không trước mặt, rồi bất chợt vạch lưng áo cho tôi xem một vết thương gần như chí mạng chạy dọc sống lưng, ngoài thì đã liền sẹo nhưng mỗi khi trái gió trở trời vẫn là nỗi đau nhức nhối trong anh. Với anh, cũng may có sự chăm sóc ân cần của người phụ nữ trời se ấy mà mình vẫn còn sống được đến bây giờ. Tự trong sâu thẳm anh mang ơn chị vô cùng.

Anh Nguyễn Văn Hữu chia sẻ, cuộc sống của anh có thể rồi sẽ bình lặng trôi đi trong khu nhà điều dưỡng thương binh nặng nếu một điều kỳ diệu không xảy ra. Sự sống như được tái sinh trên mảnh đất chết khi anh tìm được một nửa đời mình trong khoảnh khắc khó ngờ nhất của cuộc sống. Đó là khi chị đã tham gia vào nhóm tình nguyện xanh của trường, ngày ngày đến trung tâm chăm sóc thương bệnh binh sau giờ lên lớp. Tại đây, anh chị đã gặp nhau và tình yêu đến như thể chẳng có điều gì ấm áp hơn thế nữa.

Ngày cô giáo Xuân ngỏ lời yêu với mình, anh Hữu đã khóc. Anh thương cho mình thì ít mà thương cho người con gái lắm gian truân kia thì nhiều. Hơn ai hết, anh hiểu chấp nhận gắn bó với đời mình, người con gái ấy sẽ phải khổ, với việc bị gãy 3 đốt sống giữa và liệt hoàn toàn nửa người, anh không những không tự chăm lo được cho bản thân trong các sinh hoạt cá nhân ngày thường mà hơn thế, anh có thể ra đi bất cứ lúc nào, nhưng chị đã gạt phắt mọi lo toan về gánh nặng tương lai để nguyện làm chỗ dựa bình yên cho người thương binh đã vì đất nước mà hy sinh một phần cuộc sống.

Anh nhận từ chị một tình yêu rất đỗi cao cả, bởi anh hiểu đó là một tình yêu đích thực, vượt qua những ham muốn thể xác của con người với nhau nên anh càng trân trọng chị. "Rổ rá cạp lại", hai con người về chung một mái nhà, tình cảm ấy theo thời gian ngày càng sâu nặng, bền bỉ.

Một đám cưới giản dị nhưng đầm ấm đã được tổ chức vào tháng 8 năm 1985, cô dâu không áo cưới, chú rể ngồi xe lăn rạng ngời trong sự chúc phúc của bạn bè, đồng đội và người thân. Sau khi chị Bùi Thị Xuân hoàn thành khoá học, hai người đưa nhau về lại xã Hồng Long, huyện Nam Đàn nơi quê của anh Hữu để lập nghiệp. Chị Xuân xin được vào giảng dạy tại trường làng, còn cháu bé con riêng của chị cũng theo hai người về quê để tiếp tục công việc học hành. Chị Xuân sau những giờ lên lớp lại tất bật trở về với công việc chăm sóc cho người chồng tật nguyền ngồi một chỗ, có những hôm trở trời vết thương cũ của anh lại tái phát, hành hạ, chị lại thức trắng đêm đấm bóp cho anh.

Đã ba mươi mấy năm trời sống trọn vẹn với nhau bằng tất cả tấm chân tình, họ như những cây xanh tỏa bóng che mát cho nhau, nâng đỡ nhau suốt phần đời còn lại trong cuộc sống thanh bình nhưng rất đối ấm áp. Có thể nói chuyện tình của họ mang nét đẹp của những con người quả cảm và bền bỉ nhất trên mảnh đất nghèo của xứ Nghệ thân yêu.
(Theo Pháp luật và xã hội)