- Với tội ác của Lê Văn Luyện có lẽ nhiều người sẽ có một tâm trạng như tôi: Không có chỗ tồn tại cho hắn trong cuộc sống này.
 

Thông thường ta sẽ cảm thấy thanh thản hơn khi không phải chứng kiến cái chết của đồng loại vì bất kể lí do nào. Nhưng cũng có những khi người ta cảm thấy nhẹ lòng khi bản án thích đáng loại bỏ một người nào đó ra khỏi đời sống xã hội. Đó là những cái chết của những kẻ đáng chết, nó làm cho mọi người cảm thấy thanh thản, đích đáng. Với tội ác của Lê Văn Luyện có lẽ nhiều người sẽ có một tâm trạng như thế.

Không phải đến khi cái tên Lê Văn Luyện, kẻ giết người hàng loạt một cách man rợ theo kiểu máu lạnh xuất hiện trên các trang báo người ta mới biết đến tội ác của những kẻ giết người khi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên ở xã hội ta, có một vụ án mà nếu tuyên án theo Bộ luật Hình sự nó sẽ làm mọi người không đồng tình. Trước sự tồn tại của một con người như Lê Văn Luyện lương tâm ta lại thấy day dứt; thấy như có lỗi với gia đình người quá cố đã phải ra đi một cách thê thảm; thấy uất ức trước sự bất lực của pháp luật với cái ác. Hình như có điều gì bất ổn mà các nhà lập pháp cần phải thay đổi, vì luật pháp cũng chính là đạo đức, là lương tâm, lương tri.

Có thể nói rằng ba chữ Lê Văn Luyện là quá ngắn so với các “cung bậc” của tội ác do hắn ta gây ra. Hình như trong trường nghĩa của tội ác có bao nhiêu từ để diễn tả những biểu hiện của nó thì y có đủ: Liều lĩnh - Lì lợm - Máu lạnh - Thủ đoạn tinh v i- Xảo quyệt - Tàn nhẫn - Man rợ - Vô cảm . Một kẻ chưa đủ 18 tuổi lại dám cả gan leo vào nhà nạn nhân để ra tay thì đó chính là quá trưởng thành về sự Liều lĩnh. Nằm phục trong nhà nạn nhân cả tiếng đồng hồ để chờ cơ hội sát hại đó chính là quá trưởng thành về sự Lì lợm. Trong khoảng 3 tiếng đó y không một chút mảy may nghĩ lại về tội ác mình sẽ phạm phải thì đó chính là quá trưởng thành về sự Máu lạnh. Biết cắt điện để vô hiệu hoá hệ thống báo động chính là quá trưởng thành về Thủ đoạn tinh vi. Nấp sau cửa buồng vệ sinh rồi bất ngờ  lao vào tấn công thì đó chính là quá trưởng thành về sự Xảo quyệt. Sát hại cả nhà để tận diệt hậu hoạ chính là quá trưởng thành về sự Tàn nhẫn. Giết hại cả đứa trẻ đang khóc chính là quá trưởng thành về sự Man rợ. Khi bị bắt chỉ hỏi tội của mình có bị chết không thì đó chính là Vô cảm.. Hành vi của y có thể còn nhiều biểu hiện nữa của tội ác mà chưa hẳn người viết đã nói hết, hiểu hết. Nhưng như thế đã là quá đủ để ta thấy được một chân dung của một kẻ chưa trưởng thành nhưng đã hủy diệt cả một gia đình.  Một kẻ như thế thiết nghĩ không có chỗ tồn tại cho cuộc sống này.

Chúng ta sống là để tuân thủ Luật pháp, nhưng Luật pháp đặt ra là để răn đe, ngăn chặn cái ác chứ không phải tạo khe hở cho cái ác, trói chân trói tay sức mạnh của cái Thiện. Thiết nghĩ: con người làm ra luật và có thể thay đổi luật cũng là vì con người; không nên để câu chữ làm hại cho kỉ cương xã hội; không tham điều nhân nghĩa nhỏ với một kẻ không xứng đáng mà bỏ mất điều nhân nghĩa lớn hơn là lấy lại chút công bằng cho cả một gia đình giờ đã ở trên trời cao. Cuối cùng người viết chỉ mong vụ án này sẽ được lùi lại thời gian xét xử, chờ Quốc hội xem xét lại đôi điều trong Bộ luật Hình sự để hi vọng sớm có một bản án đích đáng, hợp lòng dân.

Bùi Thanh Tùng