- Sau khi đăng bài viết: Bằng thật, giả hay dỏm: Liệu có khác nhau? Chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc tham gia vào chủ đề này.

Bằng thật, giả hay dỏm: Liệu có khác nhau?

Với tiêu đề Bài toán khó, một bạn đọc có địa chỉ: contauthep@yahoo.com! Cho rằng: Hệ quả của việc bằng giả, bằng thật kiến thức giả,... là 1 nhân tố vô cùng quan trọng trong thị trường sức lao động tại Việt Nam. Nó tác động tiêu cực tới toàn bộ thị trường lao động và tạo ra tâm lý xấu cho một bộ phận không nhỏ trong xã hội, bởi lẽ bằng tại chức hay chính quy hay dân lập đều như nhau tất, có khi bằng dân lập, tại chức lại xin được việc còn bằng chính quy lại không xin được hoặc có xin được thì cũng rất khó khăn. Nó không khuyến khích việc học tập, không khuyến khích việc nghiên cứu tìm tòi, nó tạo ra cho con người ý nghĩ ỷ lại theo hướng học gì chả được miễn là có bằng "đại học" là có thể xin việc được thậm chí là một công việc tốt. Chất lượng giáo dục ngày nay nó giống như bài toán quả trứng con gà bởi lẽ không biết nên giải quyết từ đâu, cái nào là hệ quả, cái nào là nguyên nhân, cái nào cần quản lý chặt chẽ,...Rất mong tình trạng này sẽ sớm được giải quyết.

Một buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Một bạn đọc có Email: hung86@gmail.com: Xin thưa với quí vị rằng hiện nay ở các tổ chức cơ quan hành chính sự nghiệp doanh nghiệp khi thông báo tuyển dụng hoặc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ đều có những tiêu chuẩn cứng như sau: - Trình độ đại học chính quy ( Trường A,B,C) tốt nghiệp bằng khá trở lên.  Tôi chưa thấy nơi nào tuyển dụng mà có các tiêu chuẩn như sau: - Có trình độ từ trung cấp trở lên quan trọng nhất là phải đáp ứng được công việc của nhà tuyển dụng. Nếu không đạt thì không tuyển, nhưng thực tế bằng cấp là 1 chuyện việc làm là một chuyện, tôi thấy nhiều người có bằng đại học khi vào làm việc lại phải hỏi hoặc nhờ người có bằng trung cấp bày vẽ cho thật buồn cười. Tại sao các nhà tuyển dụng không cho thi tuyển tất cả với mọi người để chọn người tài và có như thế thì nạn bằng cấp giả, dỏm mới chấm dứt được. Xin hỏi: học tại chức, chuyên tu, từ xa thì xem nhẹ bằng cấp thế học Thạc sỹ thì có hệ tại chức hay từ xa không tôi thấy quá bất hợp lý.

Lê Thị Bích Liên  (senxanh.kuaile@gmail.com.): Chúng ta đang xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng cơ mà; chẳng nhẽ dân chủ, công bằng lại là nạn bằng thật = bằng giả = bằng dởm? Tất nhiên đó chỉ là một bộ phận không lớn trong xã hội ngày nay nhưng hậu quả thì thật không lường trước được. Xã hội cần phải lên án mọi hành vi liên quan đến hành vi tiêu cực trên để chung tay góp sức xây dựng một đất nước giàu mạnh thật sự chứ không phải từ những tấm bằng hữu danh vô thực ấy.

Dương văn Dũng (468dung@gmail.com): Cách đây 10 năm khi tôi còn là một CNVC, tôi phấn đấu vì lý tưởng tuổi trẻ vì lý tưởng đất nước và bao tâm huyết, tôi cố gắng ôn luyện để xin một xuất du học, nhưng đại nạn :"Bằng giả học thật, Bằng thật học giả, Tại chức, chuyên tu,..." và nhất là hệ lụy con ông cháu cha,.... tất cả đã làm cho tôi từ bỏ lớp áo CNVC ra làm kinh tế và tôi cũng đăng ký học thêm 2 ngành, nhưng cái tệ nạn chung chi qua môn, dạy qua loa,.... rồi thầy trò kéo nhau đi ầu ơ! Thế rồi tôi cũng bỏ học .Bây giờ tôi không cần học thêm gì cả thiếu kiến thức gì ra nhà sách mua về mà đọc. Và khi đó tôi nghĩ rằng nếu tình trạng này kéo dài mãi thì 15 năm nữa trình độ dân trí nước ta cao nhất thế giới!

Email: minh2239@yahoo.com.vn: Thiết nghĩ, khi nào chúng ta còn chế độ thi cử để làm quan trường, thì không thể nào không có "quan giả, quan dỏm". Tại sao quá chú trọng bằng cấp? mà không chú trọng đến nó, thì 'họ" làm sao giàu được! Thậm chí có người suốt ngày không rời khỏi "lũy tre làng", thế mà "họ" vẫn đề ra chủ trương bắt người ta thi chuyển ngạch phải có bằng B, bằng C ngoại ngữ. Thế là người ta phải mua bằng dỏm, bằng giả để nộp.

Từ những thực trạng trên bạn Dương Viết Huy (Email: dvh_itdr@yahoo.com) đề xuất: Cần phải rà soát bằng cấp trên toàn quốc Giả hay giỏm có "đất sống" là do quan điểm chuộng bằng cấp của xã hội, có cầu thì cung xuất hiện thôi. Cần triệt để rà soát và xử lý nghiêm minh những người sử dụng bằng giả (cho dù ở cấp chức vụ nào). Người giữ chức vụ càng cao thì xử phải càng nghiêm vì chính họ là người có "phạm vi lừa đảo" lớn hơn người khác.

Bạn Trần thị Nguyệt (Email: lis94@yahoo.com) thì nhấn mạnh: Để gỉam bớt tình trạng này, tôi thấy cần xem laị việc thi tuyển vào đại học phải có điểm sàn từ trung bình trở lên đối với tất cả các môn. Ngoài ra chương trình và cách giảng daỵ phải được cải cách. Đầu ra cuả các trường phải có chất lượng cao. Cương quyểt loại bỏ và không cấp phép cho những trường đại học không đủ chất lượng, hiện nay các trường đang nở rộ như nấm sau cơn mưa, vì mọi người đều nhận thấy lãi lớn khi mở trường học. Mở rộng việc thi tuyển vào các cơ quan, doanh nghiệp với bất cứ loại hình bằng cấp nhưng đòi hỏi chất lượng cao và minh bạch.

 

Đ.T (Tổng hợp)